Tích cực về chính sách đối ngoại và đấu tranh chống khủng bố nhưng lại buông lỏng chính sách đối nội. Đó là nhận xét của tờ "Trung Đông" sau một năm cầm quyền của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah Al-Sisi.
Ai Cập đã đa dạng hóa được các mối quan hệ quốc tế. Trong một năm qua, ông
Al-Sisi đã nỗ lực tái thiết lập sự cân bằng và sức sống cho nền ngoại giao Ai Cập, bắt đầu xây dựng một mạng lưới các mối quan hệ chiến lược với nhiều nước. Cairo cũng đánh giá lại mối quan hệ với các nước Arập, tham gia liên minh Arập chống phiến quân Houthi ở Yemen. Kế hoạch thành lập một lực lượng quân sự Arập chung, mà cơ chế hiện đang được các nhà lãnh đạo khu vực soạn thảo, đã được Cairo đề cập đến đầu tiên.
Tổng thống Al-Sisi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi 2015 ở Amman, Jordan. |
Mặc dù đã thu được nhiều lợi ích trong quan hệ với các nước Arập vùng Vịnh, nhưng Ai Cập của ông Al-Sisi vẫn giữ lập trường "độc lập với Saudi Arabia" đối với cuộc xung đột ở Syria và Libya. Điều đó có nghĩa vẫn giữ được thế độc lập trong chính sách đối ngoại. Ngoài ra, Tổng thống Al-Sisi cũng không nhượng bộ trước sức ép của Saudi Arabia, yêu cầu gửi quân tới Yemen, vì coi đây là một cuộc can thiệp "đầy rủi ro". Đối với châu Âu, cách đây một năm, Ai Cập vẫn còn bị các nước này và Mỹ ác cảm, nhất là sau vụ lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi. Tuy nhiên, trong một năm qua, ông Al-Sisi đã gia tăng các chuyến công du tới Pháp, Tây Ban Nha và Đức, để rồi giờ đây, Ai Cập được nhiều nước châu Âu coi là một đối tác lớn trong cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực.
Đối với châu Phi, Ai Cập đã đánh dấu sự trở lại thành công với một chiến lược mới, những công cụ mới được đưa ra dựa trên sự cân nhắc về phát triển chung. Theo chiều hướng này, ngày 10/6 tới, Ai Cập sẽ đăng cai hội nghị cấp cao khối kinh tế châu Phi để hướng tới một khu vực tự do thương mại, bao gồm 26 nước châu Phi. Việc giữ khoảng cách độc lập "hợp lý" với Mỹ cũng thể hiện rõ trong chính sách đối ngoại của Ai Cập ngay từ những ngày đầu tiên cầm quyền của ông Al-Sisi.
Trong một năm qua, Ai Cập đã thực hiện tốt chủ trương đa dạng hóa các nguồn vũ khí, với việc vừa ký kết một hợp đồng mua 24 máy bay Rafale của Pháp, và một hợp đồng mua sắm vũ khí khác quan trọng hơn nhiều cũng sắp được ký với Paris. Ngoài ra, nước này cũng đã ký kết các thỏa thuận mua vũ khí với Nga.
Chính sách đối nội dường như phức tạp hơn đối với ông Al-Sisi. Do các vấn đề cơ cấu của Ai Cập, Tổng thống
Al-Sisi đã đề ra thời hạn 2 năm để đánh giá những cải thiện đầu tiên trong đời sống của người dân nước này. Theo các chuyên gia trong nước, quan điểm kinh tế và xã hội của ông Al-Sisi vẫn còn chưa rõ ràng, điều này có thể gây tổn hại đến sự tín nhiệm. Trong các bài diễn văn công khai, ông
Al-Sisi đều rất chú trọng đến việc tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa thấy thể hiện cụ thể. Ngoài ra, thời hạn tiến hành bầu cử Quốc hội đã bị trì hoãn 3 lần và đến nay vẫn chưa tổ chức được, nên chưa thể chấm dứt được tiến trình quá độ. Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến các cử tri và đương nhiên, làm giảm lòng tin của họ vào chính quyền.
An ninh vẫn là vấn đề gai góc nhất trong năm đầu tiên cầm quyền của ông Al-Sisi, song các hoạt động khủng bố đã giảm đáng kể trong những tháng qua. Tuy bán đảo Sinai vẫn còn là hang ổ của các tổ chức, phe nhóm khủng bố, song sự thay đổi triệt để trong chiến lược quân sự của cuộc đấu tranh chống khủng bố đã giúp đất nước này đạt được những bước tiến lớn. Quyết định thành lập vùng đệm ở dọc biên giới với Dải Gaza để ngăn chặn sự thâm nhập của các tay súng khủng bố; lập ra một bộ chỉ huy quân sự thống nhất, đảm nhận việc đấu tranh chống khủng bố ở bán đảo Sinai, tạo thuận lợi cho sự trao đổi thông tin, phối hợp tác chiến giữa các cơ quan tình báo khác nhau... là những biện pháp rất hiệu quả giúp mặt trận an ninh của đất nước này được cải thiện rõ rệt trong một năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống Al-Sisi.