Tổng Thư ký Guterres kêu gọi tất cả các bên liên quan ở Sudan không trì hoãn giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển tiếp để giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm đạt được một giải pháp chính trị lâu dài và toàn diện. Ông Guterres tái khẳng định cam kết của LHQ hỗ trợ quá trình chuyển tiếp ở Sudan thông qua cơ chế ba bên bao gồm Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của LHQ ở Sudan, Liên minh châu Phi (AU) và Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD). Ông nhấn mạnh thể chế đa phương lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục ủng hộ nguyện vọng của người dân Sudan vì dân chủ, hòa bình và phát triển bền vững.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận khung chính trị cho Sudan. Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, EU tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ cơ chế ba bên của LHQ và hoan nghênh việc cơ chế này tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và hiện thực hóa quá trình chính trị nội bộ ở Sudan.
Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục mở rộng sự đồng thuận và duy trì động lực của quá trình chuyển tiếp. Ông cũng kêu gọi các bên liên quan ở Sudan tăng cường nỗ lực để thành lập một chính phủ chuyển tiếp dân sự toàn bộ có khả năng tổ chức các cuộc bầu cử công bằng và đáng tin cậy, theo một thời gian biểu đã thỏa thuận.
Trước đó, cùng ngày 5/12, người đứng đầu Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp của Sudan - ông Abdel-Fattah Al-Burhan - và lãnh đạo thứ hai trong Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp - ông Mohammed Hamdan Dagalo - đã ký thỏa thuận khung chính trị với Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC), nhóm ủng hộ dân chủ lớn nhất Sudan, tại Cung điện Cộng hòa ở thủ đô Khartoum. Thỏa thuận hướng tới việc thiết lập một chính quyền dân sự chuyển tiếp trong 2 năm cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức, cũng như chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài kể từ khi quân đội tiếp quản đất nước vào tháng 10/2021. Theo thỏa thuận khung chính trị, quân đội Sudan sẽ rút khỏi chính trường. Thỏa thuận cũng quy định "các lực lượng cách mạng" tham gia ký thỏa thuận này sẽ quyết định một thủ tướng mới để giám sát quá trình chuyển tiếp kéo dài 2 năm.
Mỹ và một loạt quốc gia vùng Vịnh đã hoan nghênh thỏa thuận nói trên. Theo FFC, thỏa thuận được ký kết trước sự chứng kiến của các quan chức LHQ, cũng như các nhà ngoại giao phương Tây, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).