Liên hợp quốc thảo luận về Xyri

Tân đặc phái viên chung Liên hợp quốc (LHQ) - Liên đoàn Arập (AL) về Xyri, Lakhdar Brahimi, ngày 30/8 đã lần đầu tiên có cuộc họp với các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ để thảo luận về cuộc khủng hoảng trầm trọng ở quốc gia Trung Đông này.


Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud, hiện giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của HĐBA, cho biết ông Brahimi nhận được sự ủng hộ toàn diện nhưng HĐBA tiếp tục chia rẽ sâu sắc. HĐBA cùng ngày 30/8 dự kiến thảo luận về tình hình nhân đạo tại Xyri do ngày càng có nhiều người dân nước này chạy tị nạn ra nước ngoài.


Thường dân sơ tán khỏi thành phố Aleppo, miền bắc Xyri giữa lúc các cuộc giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn. Ảnh: AFP/TTXVN


Hồi trung tuần tháng 8/2012, ông Brahimi tuyên bố đồng ý trở thành đặc phái viên chung LHQ - AL trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đẫm máu kéo dài một năm rưỡi qua tại Xyri. Tuy chưa công bố chi tiết về kế hoạch mới nhằm tìm lối thoát cho vấn đề này, nhưng ông Brahimi cho biết sẽ thăm thủ đô Đamát trong vòng ba tuần tới. Dự kiến, ông Brahimi cũng sớm có cuộc gặp với người tiền nhiệm Kofi Annan, đồng thời đến Cairô (Ai Cập) gặp gỡ các quan chức AL.


Trong khi đó, Tổng thư ký LHQ Ban Ki - moon (đang có mặt tại Têhêran dự Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết) ngày 30/8 đã tiến hành các cuộc thảo luận riêng rẽ với Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad và Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei - về cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng Xyri. Tổng thư ký Ban Ki - moon đề nghị các nhà lãnh đạo Iran dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Tổng thống Xyri Bashar Al Assad chấm dứt bạo lực và thiết lập các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng một tiến trình đối thoại đáng tin cậy và thẳng thắn. Ông Ban Ki - moon tỏ ý tin tưởng vào tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực cũng như đối với Xyri, cho rằng Iran sẽ đóng một vai trò quan trọng, là một phần trong giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Xyri.


Về phía Iran, Ngoại trưởng nước này Ali Akbar Salehi cho biết Têhêran sẽ thành lập một nhóm có sự tham gia của các quốc gia không liên kết khác để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Xyri.


Ngoài kế hoạch trên của Iran, Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi cũng được cho là sẽ đưa ra kế hoạch riêng của ông cho vấn đề Xyri. Tuần trước, ông Morsi đã đề cập đến việc thành lập một nhóm công tác - gồm Ai Cập, Iran, Arập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ - để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xyri. Đây được coi là một sáng kiến mà giới lãnh đạo Iran rất nóng lòng muốn thực hiện.


Trong khi đó, giao tranh vẫn diễn ra quyết liệt tại Xyri. Quân chống đối ngày 30/8 tuyên bố đã phá hủy được 5 trực thăng trong một cuộc tấn công vào một sân bay quân sự nằm giữa các thành phố Aleppo và Idlib ở miền bắc. Theo lực lượng nổi dậy, họ dùng hai xe tăng chiếm được từ quân đội Xyri để pháo kích sân bay Taftanaz, phá hủy các trực thăng và cơ sở hạ tầng của sân bay này.


Tuy nhiên, Truyền hình quốc gia Xyri nói rằng cuộc tấn công trên không gây thiệt hại nào cho sân bay Taftanaz và đã bị đẩy lùi. Tại thủ đô Đamát, các nhà hoạt động cho biết ngày 30/8, quân chính phủ tiếp tục tấn công mạnh mẽ vào vành đai phía đông thành phố. 



H.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN