Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nêu rõ: “TTK kêu gọi tất cả các bên liên quan giữ vững cam kết đối với quá trình chuyển giao và hoàn thành ý nguyện của người dân Sudan về một tương lai dân chủ, ổn định, hòa bình và mang tính đại diện cao”.
Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat cũng lên án mạnh mẽ âm mưu đảo chính bất thành tại Sudan.
Trong khi đó, Anh, Na Uy và Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ Sudan. Trong một tuyên bố, ba nước nêu rõ: "Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực nào làm chệch hướng hoặc phá hoại nỗ lực của người dân Sudan trong việc xây dựng một tương lai thịnh vượng, hòa bình và dân chủ".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết âm mưu đảo chính ngày 21/9 tại Khartoum đã hủy hoại lời kêu gọi của người dân Sudan về tự do và công lý đồng thời đe dọa sự ủng hộ quốc tế dành cho Sudan, trong đó có quan hệ song phương với Mỹ. Mỹ lên án mọi sự can thiệp từ bên ngoài có ý đồ gieo rắc thông tin và “phá hoại ý nguyện của người dân Sudan”. Tuy nhiên, ông Price không giải thích cụ thể về cáo buộc này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 21/9, Hội đồng an ninh và quốc phòng Sudan thông báo đã bắt giữ Thiếu tướng Abdul-Baqi Hassan Osman, người đứng đầu âm mưu đảo chính bất thành ở nước này. 22 sĩ quan quân đội thuộc các cấp bậc khác nhau, một số hạ sĩ quan và binh sĩ cũng đã bị bắt giữ.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Yassin Ibrahim Yassin cho biết: “Các cuộc điều tra ban đầu cho thấy âm mưu đảo chính nhằm giành chính quyền và phá hoại giai đoạn chuyển tiếp hiện nay ở nước này".
Trước đó, cùng ngày, nhà chức trách Sudan thông báo đã phá vỡ một âm mưu đảo chính được thực hiện bởi các phần tử nằm cả ở trong và ngoài quân đội có liên quan tới chính quyền bị lật đổ của cựu Tổng thống Omar al-Bashir.
Hồi tháng 4/2019, một cuộc đảo chính quân sự từng xảy ra tại Sudan, lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir, người đã lãnh đạo đất nước trong 30 năm. Hiện Chính phủ Sudan là mô hình chia sẻ quyền lực giữa các lực lượng quân đội và dân sự. Chính quyền quân sự và dân sự của Sudan đã đồng ý giai đoạn chuyển tiếp bao gồm cải cách chính trị và kinh tế quy mô lớn. Tuy nhiên, vụ đảo chính bất thành mới nhất càng chỉ ra những khó khăn và những thách thức từ phía các phe phái ủng hộ cựu Tổng thống Omar al- Bashir mà chính phủ chuyển tiếp tại Sudan phải đối mặt trên con đường thực hiện những mục tiêu cải cách đã đề ra.