Liên hợp quốc kêu gọi quản lý tốt hơn công nghệ giám sát

Liên hợp quốc (LHQ) ngày 19/7 cảnh báo rằng một số chính phủ đã sử dụng phần mềm độc hại Pegasus trên điện thoại do công ty tư nhân NSO (Israel) phát triển để thực hiện các hoạt động do thám trái phép, đồng thời nhấn mạnh cần quản lý tốt hơn công nghệ giám sát này.

Chú thích ảnh
Nhiều chính trị gia, giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhà báo và các nhà hoạt động trên thế giới bị thu thập dữ liệu thông qua phần mềm độc hại Pegasus. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cao ủy nhân quyền LHQ, bà Michelle Bachelet cho biết báo cáo của LHQ về phần mềm theo dõi Pegasus đã "khẳng định cần quản lý tốt hơn việc bán, chuyển giao và sử dụng công nghệ do thám và đảm bảo sự giám sát và cấp phép chặt chẽ".

Trước đó, một cuộc điều tra tập thể do các báo The Washington Post (của Mỹ), The Guardian (của Anh) và Le Monde (của Pháp) thực hiện cùng với nhiều hãng truyền thông khác đã cho thấy khả năng do thám sâu hơn mọi người từng nghĩ của phần mềm Pegasus. Phần mềm này có khả năng chuyển mạch trên một camera hoặc microphone của điện thoại và thu thập dữ liệu.

Bà Bachelet nhận định các tiết lộ trong điều tra nói trên "đặc biệt đáng báo động" vì chúng "dường như đã khẳng định một trong số những lo ngại tồi tệ nhất về khả năng lạm dụng công nghệ giám sát". Bà cho biết các biện pháp giám sát chỉ có thể được biện minh "trong các bối cảnh rất hạn chế, nhằm một mục đích hợp pháp như các cuộc điều tra tội phạm nghiêm trọng và những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng". Theo bà, "nếu các cáo buộc gần đây về việc sử dụng phần mềm Pegasus dù chỉ đúng một phần, thì lằn ranh đỏ đã một lần nữa bị vượt qua mà không bị trừng phạt". Bà nhấn mạnh các công ty liên quan trong việc phát triển và phân phối các công nghệ giám sát cần đảm bảo rằng các công nghệ này không được sử dụng để vi phạm quyền con người. 

Trong cuộc điều tra của các báo trên, vụ rò rỉ dữ liệu có liên quan đến hơn 50.000 số điện thoại di động được cho là thuộc diện đối tượng được các khách hàng của NSO quan tâm từ năm 2016. Các khách hàng của NSO tập trung ở 10 quốc gia gồm Azerbaijan, Bahrain, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Maroc, Rwanda, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trong đó có số điện thoại di động của nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, thành viên của các hoàng gia Arab, nhà ngoại giao, chính trị gia, cũng như các nhà hoạt động và giám đốc điều hành các công ty, các nhà báo của nhiều tổ chức truyền thông trên thế giới như AFP, Wall Street Journal, CNN, New York Times, Al-Jazeera, France 24, AP, Le Monde, Bloomberg, the Economist, Reuters...

Trong phản ứng của mình, NSO cho rằng các thông tin trên là "vô căn cứ và bị thổi phồng". Công ty phát triển phần mềm gián điệp hàng đầu ở Israel khẳng định Pegasus được sử dụng để phòng ngừa tội phạm và chống khủng bố, đồng thời tuyên bố sẽ không xác nhận danh tính của các khách hàng.

Bích Liên (TTXVN)
50.000 số điện thoại trở thành nạn nhân phần mềm theo dõi của Israel
50.000 số điện thoại trở thành nạn nhân phần mềm theo dõi của Israel

Đã có tới 50.000 số điện thoại của chính khách, nhà báo, nhà hoạt động, doanh nhân trên khắp thế giới được cho là nạn nhân của phần mềm theo dõi do một công ty Israel phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN