Người dân Syria sơ tán khỏi các khu vực các tay súng nổi dậy kiểm soát tại phía tây Aleppo ngày 16/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 16/12, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cảnh báo rằng
thành phố Aleppo đã trở thành một nơi "giống như địa ngục", đồng thời kêu gọi các bên tại Syria áp dụng mọi biện pháp cần thiết để cho phép việc nối lại chương trình sơ tán này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng kêu gọi các bên tại Syria tôn trọng thỏa thuận sơ tán ở Aleppo.
Thổ Nhĩ Kỳ, nước ủng hộ lực lượng chống đối tại Syria, đã dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn với Nga, nước hậu thuẫn cho chính phủ Syria và các đồng minh, cho biết hàng nghìn người vẫn đang bị mắc kẹt tại thành phố này và đang chờ để được sơ tán.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ có thể bỏ phiếu sớm nhất là vào cuối tuần này về một đề xuất của Pháp cho phép triển khai các quan sát viên quốc tế tới Aleppo và đảm bảo cho hoạt động viện trợ khẩn cấp nơi đây.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp kín của HĐBA LHQ, bà Power cho biết các quan chức Mỹ hiện đang ở Syria đã sẵn sàng để nhanh chóng tới thành phố này như là "sự hiện diện của sự bảo vệ". Tại cuộc họp, Pháp cho biết nước này đang nỗ lực để đưa ra một giải pháp nhanh chóng cho đề xuất của mình trong khi Nga tỏ ra hoài nghi về đề xuất này.
Đại sứ Nga tại LHQ, Vitaly Churkin cho biết việc triển khai các quan sát viên tới thành phố Aleppo sẽ phải mất hàng tuần, không thể thực hiện được chỉ trong 2 hoặc 3 ngày. Trong khi đó, Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre cho rằng ưu tiên hàng đầu là cứu nhiều người dân, ngăn chặn các vụ thảm sát có thể xảy ra ở Aleppo. Ông cho biết sẽ đệ trình dự thảo đề xuất lên HĐBA LHQ vào chiều 16/12 và một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra "càng sớm càng tốt".
Theo ước tính, hàng nghìn dân thường và các tay súng chống đối đã rời khỏi khu vực phía Đông Aleppo trong ngày 15/12 theo thỏa thuận nhằm cho phép chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad giành lại quyền kiểm soát toàn bộ thành phố này sau nhiều năm giao tranh.
Tuy nhiên, chiến dịch này đã bị dừng đột ngột một ngày sau đó khi Chính phủ Syria cáo buộc phiến quân vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Hoạt động sơ tán này diễn ra trong khuôn khổ một lệnh ngừng bắn do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga làm trung gian.