Theo báo Deutsche Welle (Đức), Cơ quan An ninh và An toàn của Liên hợp quốc (UNDSS) ngày 14/11 cho biết họ đang điều tra các cáo buộc rằng nước chủ nhà COP27 là Ai Cập "giám sát" những người tham dự.
Đức đã chỉ trích Chính phủ Ai Cập về việc giám sát có chủ đích đối với phái đoàn của họ. Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin mong muốn "tất cả những người tham gia hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc có thể làm việc và đàm phán trong các điều kiện an toàn".
Đáp lại, Cairo đã bác bỏ các cáo buộc. Wael Aboulmagd, người đứng đầu phái đoàn Ai Cập tại COP27, đã từ chối trả lời về việc nhận bất kỳ báo cáo nào từ hành vi giám sát của cảnh sát Ai Cập trong hội nghị thượng đỉnh, nhưng cho rằng những thông tin về theo dõi là "khá mơ hồ và không chính xác".
"Có vẻ lố bịch vì đó là một sự kiện mở. Tại sao lại có bất kỳ sự giám sát không mong muốn nào trong một sự kiện mở?", hãng thông tấn AP dẫn lời Aboulmagd nói. Nhà ngoại giao kỳ cựu của Ai Cập này cũng cáo buộc những lời chỉ trích đang tìm cách đánh lạc hướng hội nghị khỏi các vấn đề khí hậu chính hiện nay.
Ông Aboulmagd nêu rõ: “Chúng tôi mệt mỏi với những sự phân tâm dường như có chủ ý này khỏi các vấn đề khí hậu, sự tập trung quá mức vào những cáo buộc vô căn cứ".
Hội nghị thượng đỉnh đang được UNDSS và cảnh sát Ai Cập phối hợp bảo đảm an ninh. Liên hợp quốc cũng xác nhận ngay cả một phần của địa điểm được xác định là khu vực riêng của tổ chức này cũng được bảo vệ bởi nhân viên Ai Cập, viện dẫn "quy mô và sự phức tạp của việc đảm bảo an ninh tại một sự kiện quy mô lớn" là lý do triển khai sự hỗ trợ an ninh gây tranh cãi này.
Trong khi đó, một số người tham gia hội nghị COP27 đã phàn nàn với giới truyền thông về vấn đề giám sát. Liane Schalatek, Phó Giám đốc quỹ Heinrich Boll Stiftung ở Washington, đã tham dự hội nghị về khí hậu của từ năm 2008 nói với đài truyền hình ZDF của Đức rằng bà "rõ ràng là khó chịu hơn bất kỳ hội nghị COP nào khác trước đây" vì cảm thấy "bị theo dõi", mô tả việc các máy ghi hình hướng trực tiếp vào mặt diễn giả trong các cuộc họp điều phối nội bộ là "vừa không cần thiết vừa bất thường".
Ai Cập rất quan tâm đến việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu để nâng cao uy tín quốc tế của mình. Tuy nhiên, hồ sơ nhân quyền gây tranh cãi của nước này đã trở thành tâm điểm của hội nghị toàn cầu trên kể từ khi vấn đề được đưa ra vào tuần trước.
Trước hội nghị thượng đỉnh, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York đã cảnh báo về “các kế hoạch giám sát sâu rộng” khi chỉ ra một thực tế dễ thấy là việc trang bị camera cho hàng trăm chiếc taxi ở Sharm el-Sheikh, cũng như ứng dụng điện thoại thông minh của Ai Cập dành cho những người tham dự, được cho là yêu cầu quyền truy cập vào điện thoại, micrô và vị trí của họ.