Tổng thống Hàn Quốc có thẩm quyền ban bố thiết quân luật theo hiến pháp, trong trường hợp chiến tranh, xung đột vũ trang hoặc các tình huống khẩn cấp quốc gia khác. Hàn Quốc có hai loại thiết quân luật: Thiết quân luật khẩn cấp và thiết quân luật an ninh.
Tổng thống Yoon Suk-yeol đã ban hành thiết quân luật khẩn cấp, trao cho chính phủ các quyền hạn rộng lớn, hạn chế quyền tự do báo chí, giới hạn quyền tụ tập và có thể bác bỏ các phán quyết của tòa án dân sự...
Tổng thống phải thông báo cho Quốc hội sau khi ban bố thiết quân luật. Nếu quốc hội yêu cầu chấm dứt bằng đa số phiếu thì tổng thống phải tuân thủ.
Trước khi Hàn Quốc chuyển sang chế độ dân chủ trực tiếp vào cuối những năm 1990, thiết quân luật đã được áp dụng nhiều lần. Thiết quân luật gần nhất được ban hành tại Hàn Quốc trước ngày 3/12 là vào tháng 10/1979 bởi Thủ tướng khi đó Choi Kyu-hah, sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung-hee.
Thiết quân luật sau đó kéo dài đến năm 1980. Vào năm 1981, qua một cuộc trưng cầu ý dân, Hàn Quốc dỡ bỏ thiết quân luật.
Tuyên bố thiết quân luật đầu tiên của Hàn Quốc được đưa ra năm 1948, bởi tổng thống đầu tiên của nước này - ông Syngman Rhee. Tiếp đó, đến năm 1952, ông Syngman Rhee đã áp đặt lại thiết quân luật, trong Chiến tranh Triều Tiên.
Dưới đây là video cho thấy cảnh ngổn ngang bên trong tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc sau khi các nhà lập pháp phản đối thiết quân luật tối 3/12 (nguồn: Reuters):
Quay trở lại với những diễn biến mới nhất, Nội các Hàn Quốc đã phê chuẩn chấm dứt thiết quân luật vào sáng 4/12, khoảng 6 tiếng đồng hồ sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol ban hành lệnh thiết quân luật vào tối trước đó. Sáng 4/12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố dỡ bỏ Thiết quân luật.
Nhà Trắng cho biết họ "cảm thấy nhẹ nhõm" khi Tổng thống Yoon Suk-yeol đảo ngược quyết định về thiết quân luật.
Trước đó, ngay sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố thiết quân luật, đồng won Hàn Quốc đã trượt xuống mức thấp nhất là 1.430 won/USD trong phiên giao dịch đêm 3/12. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 26/10/2022.