Ngày 24/1 (giờ Việt Nam), Phong trào vũ trang Hồi giáo dòng Shiite Hezbollah và đồng minh ở Libăng tuyên bố sẵn sàng tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc mới nếu ứng cử viên của họ được Quốc hội bầu làm thủ tướng.
Các nguồn tin nước ngoài dẫn lời thủ lĩnh Hezbollah, ông Hassan Nasrallah cho biết, phe này không kêu gọi một chính phủ đơn phương hay loại bỏ bất kỳ đảng phái nào, mà sẽ tìm kiếm một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Ông Nasrallah cũng nhấn mạnh, nếu ứng cử viên của Hezbollah được bầu làm thủ tướng, "thế giới nên tôn trọng các thể chế hiến pháp và nguyện vọng của đa số người Libăng".
Tại cuộc tham vấn Quốc hội kéo dài hai ngày, bắt đầu từ 24/1, Phong trào Hezbollah và đồng minh đã tuyên bố không ủng hộ ông Saad Hariri thành lập chính phủ mới nhưng chưa chính thức công bố danh tính ứng cử viên của họ.
Chính phủ của Thủ tướng Saad Hariri đã sụp đổ hôm 12/1 vừa qua sau khi Hezbollah và đồng minh rút 11 bộ trưởng ra khỏi nội các do những khác biệt liên quan đến Tòa án Đặc biệt về Libăng của Liên hợp quốc có nhiệm vụ điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri, cha đẻ của ông Saad hồi năm 2005. Giới phân tích lo ngại phe Hezbollah sẽ phản ứng bằng bạo lực nếu người của họ bị kết án.
Binh lính Libăng canh gác tại khu phố chính ở thủ đô Bâyrút. Ảnh: AFP - TTXVN |
Tuyên bố của ông Nasrallah được coi là dấu hiệu quan trọng trong đường lối của phe Hezbollah trong bối cảnh căng thẳng chính trị của nước này có nguy cơ biến thành một cuộc nội chiến. Ông Nasrallah cũng nhấn mạnh rằng phong trào Hezbollah đang sử dụng hiến pháp làm công cụ nhằm đạt được thay đổi mong muốn.
Cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng được cho là sẽ căng thẳng vì Quốc hội Libăng gồm 128 nghị sĩ hiện chia làm hai phe khá ngang nhau giữa một bên ủng hộ ông Hariri và một bên ủng hộ ứng cử viên của Hezbollah. Trong lịch sử Libăng, Thủ tướng thường là người Hồi giáo dòng Sunni, Chủ tịch Quốc hội là người Shiite và Tổng thống là người Cơ đốc giáo Maronit. Hiện nay, phong trào Hezbollah và đồng mình tuyên bố đã có 57 ghế trong Quốc hội, phe của ông Hariri hiện có 60 ghế.
Hiện chưa rõ liệu ông Hariri và các đồng minh của ông có chấp nhận tham gia một chính phủ do Hezbollah đứng đầu hay không. Giới chuyên gia nhận định nếu chính phủ mới thiếu ông Hariri sẽ gây ra sự giận dữ trong cộng đồng người Sunni chiếm đa số ở Libăng, vì vậy có thể làm bùng phát bạo lực.
Bên cạnh đó, điều này có nguy cơ làm các nhóm thánh chiến (jihad) của người Sunni không hài lòng bởi họ luôn phản đối Hezbollah và coi phong trào này là một "vũ khí" của người Shiite ở Iran.
Bên cạnh đó, các nước Hồi giáo dòng Sunni như Arập Xêút và Ai Cập, vốn lo ngại ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran trong khu vực, cũng sẽ phản đối và tìm cách cô lập một chính phủ thiếu ông Hariri.
Thêm vào đó, cựu Thủ tướng Libăng Najib Mikati cũng đã lên tiếng ứng cử và tuyên bố sẽ hợp tác với tất cả các đảng phái chính trị để đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị.
Tuy nhiên, phe ủng hộ ông Saad coi đây là một hành động "phản bội" vì Najib Mikati được bầu làm nghị sỹ lúc còn là thành viên của liên minh Saad. Ông Najib Mikati giữ chức Thủ tướng Libăng trong vòng 3 tháng năm 2005 khi Xyri bị buộc phải rút quân khỏi nước này sau vụ ám sát Thủ tướng Rafik Hariri.
Quang Minh (tổng hợp)