Theo báo cáo của UNEP, đến nay, các cam kết bổ sung kể từ sau COP26 đã giúp loại bỏ thêm 0,5 gigaton GtCO2e (khí thải nhà kính tương đương CO2) - ít hơn 1% so với ước tính lượng phát thải toàn cầu vào năm 2030. Với xu hướng đó, kể cả khi các chính sách môi trường được áp dụng, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ này vẫn có thể tăng 2,8 độ C - cao hơn 0,1 độ C so với ước tính năm ngoái.
Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhấn mạnh trong tình hình cấp bách hiện nay, sự chuyển đổi từ gốc rễ, giúp xanh hóa các nền kinh tế và xã hội là cách duy nhất giúp kiềm chế quá trình biến đổi khí hậu đang tăng tốc nhanh chóng.
Theo báo cáo, để hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức lý tưởng là 1,5 độ C, lượng khí thải hằng năm phải được hạn chế trong mức tương ứng 45% so với dự báo trong 8 năm, với điều kiện chính sách hiện hành, và nền kinh tế toàn cầu phải được chuyển đổi thành nền kinh tế phát thải CO2 thấp. Việc thực hiện hóa ý tưởng này sẽ cần đến mức đầu tư từ 4.000 - 6.000 tỷ USD/năm.
Trong khi đó, một báo cáo khác của Liên hợp quốc được công bố vào đầu tuần qua, trong đó phân tích các cam kết mới nhất do các quốc gia đưa ra, cũng cho rằng khả năng cao nhiệt độ trung bình của thế giới sẽ tăng 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Tổ chức Khí tượng Thế giới ngày 26/10 cho biết nồng độ khí nhà kính tăng với tốc độ trên mức trung bình và chạm ngưỡng kỷ lục mới vào năm ngoái.
Các báo cáo được đưa ra trước thềm Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập từ ngày 6 - 18/11, trong đó các lãnh đạo và đại diện các quốc gia trên thế giới tiếp tục thảo luận và đánh giá, đảm bảo giải pháp cho mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.