Phát biểu trực tuyến khai mạc Triển lãm Phát triển Nam - Nam toàn cầu năm 2022 cùng ngày, ông Guterres cho biết: “Điều quan trọng là các giải pháp phát triển hướng Nam phải được ủng hộ rộng rãi”. Tổng thư ký khẳng định cần hợp tác giữa các nước đang phát triển và nước phát triển nhằm giải quyết các thách thức chung, đồng thời nhấn mạnh các nước giàu cần có trách nhiệm “phối hợp với các nước đang phát triển trên tinh thần xây dựng, đặc biệt là giảm bất công”. Ông kêu gọi tăng cường hợp tác nhằm “hướng đến một tương lai công bằng và bền vững cho tất cả”.
Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Abdulla Shahid thừa nhận “thế giới đang trải qua một giai đoạn nguy kịch” khi đại dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu, các cuộc xung đột kéo dài và mới bùng phát, những bất công kinh tế và lạm phát gia tăng “đang ảnh hưởng đến những thành quả phát triển mà phải mất nhiều thập kỷ mới đạt được”. Ông kêu gọi tăng cường hợp tác Nam - Nam và hợp tác ba bên sâu rộng hơn để thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần tin tưởng lẫn nhau và tạo uy tín thông qua hợp tác và hỗ trợ. Với tình đoàn kết và tinh thần tập thể đó, chúng ta có thể phục hồi tốt hơn, mở rộng khả năng và đạt tầm nhìn về một tương lai tươi sáng hơn”.
Thư ký điều hành tại Ủy ban Kinh tế và xã hội của LHQ về châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), bà Armida Salsiah Alisjahbana nhấn mạnh những tiến bộ kinh tế - xã hội đáng kể tại khu vực này đã tạo ra các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, “những thành quả rất khó đạt được này đang đứng trước nguy cơ”. Theo bà, trong khi đang thực hiện Lịch trình 2030, dịch COVID-19, các tác động ngày càng tệ hơn của biến đổi khí hậu, tình trạng bất công gia tăng, và căng thẳng địa chính trị leo thang đang để lộ ra sự bấp bênh của thế giới kết nối hiện nay. Bà kêu gọi cần coi nền tảng hợp tác Nam - Nam và ba bên là “một phần không thể tách rời của hợp tác phát triển quốc tế”.
Triển lãm Phát triển Nam - Nam toàn cầu diễn ra từ 12 - 14/9, là một trong những sự kiện lớn nhất được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị LHQ (UNCC) ở thủ đô Bangkok của Thái Lan kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Triển lãm do ESCAP phối hợp với Văn phòng LHQ về Hợp tác Nam - Nam (UNOSSC) tổ chức nhằm phục hồi bền vững sau đại dịch. Trong khuôn khổ sự kiện cũng có nhiều diễn đàn và hội thảo, như cuộc thảo luận về việc sử dụng hòa bình khoa học và công nghệ hạt nhân do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức, và chương trình quốc gia về bữa ăn trường học tự túc do Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) cùng với Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Quỹ Phát triển lương thực quốc tế (IFAID) tổ chức.