Phát biểu trong phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về cuộc khủng hoảng Syria qua cầu truyền hình từ Geneva, ông Mistura khẳng định cộng đồng quốc tế và Syria đang trong những nỗ lực cuối cùng nhằm thực thi việc thành lập ủy ban Hiến pháp. Ông cảnh báo nếu không hoàn tất tiến trình này, các bên sẽ không thể thành lập ủy ban hiến pháp đáng tin cậy và toàn diện trong giai đoạn hiện nay.
Ông Mistura là đặc phái viên của LHQ phụ trách vấn đề Syria kể từ tháng 7/2014, dự kiến sẽ từ bỏ trọng trách này vào cuối tháng 11 tới, song ông đã đồng ý đảm nhiệm thêm 1 tháng nhằm thúc đẩy nỗ lực cuối cùng nhằm thành lập ủy ban Hiến pháp. Ông cho biết LHQ vẫn mong muốn có thể gửi giấy mời cho các thành viên ủy ban vào giữa tháng 12 và triệu tập cuộc họp đầu tiên trước ngày 31/12 tới.
Lãnh đạo các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Pháp cũng kêu gọi thành lập ủy ban Hiến pháp Syria vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ - bộ 3 bảo trợ Đại hội Đối thoại dân tộc Syria, sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Astana, Kazakhstan.
Hồi đầu năm nay, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria đã diễn ra tại thành phố Sochi, Nga, với sự tham dự của đại diện nhiều phe phái tại Syria cùng hơn 50 quan sát viên, nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Một trong các kết quả đáng ghi nhận là Đại hội này đã thông qua danh sách ứng cử viên tham gia ủy ban Hiến pháp Syria, gồm khoảng 45 - 50 thành viên đại diện của Chính phủ cũng như phe đối lập, có nhiệm vụ soạn thảo một hiến pháp mới cho Syria.
Sự ra đời của ủy ban này được cho là sẽ đóng góp lớn cho tiến trình hòa bình do LHQ bảo trợ, mở đường để Syria tiến hành các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội trong tương lai.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng vừa thông báo kế hoạch bổ nhiệm nhà ngoại giao Na Uy Geir Pedersen làm Đặc phái viên mới của LHQ về Syria. Ông Pedersen hiện là Đại sứ Na Uy tại Trung Quốc và trước đó từng đảm nhiệm cương vị Đại sứ Na Uy tại LHQ.
Cuộc xung đột ở Syria, bùng phát từ tháng 3/2011, đã cướp đi sinh mạng của hơn 360.000 người, buộc 7 triệu người phải đi sơ tán ở trong nước và 5,3 triệu người di tản sang nhiều nước khác. Trong khi đó, 10 triệu người khác đang phải sống trong tình cảnh rất khó khăn và nguy hiểm.