Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong Báo cáo Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới 2022 đưa ra ngày 13/1, LHQ cho rằng động lực tăng trưởng có được trong năm 2021 đang bắt đầu chậm lại từ cuối năm ngoái, có thể thấy ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ do các biện pháp kích thích tiền tệ tài chính bắt đầu giảm dần và tình trạng đứt gãy chuỗi cung lại nổi lên.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng cùng với tình trạng đại dịch đang tiếp diễn, áp lực lạm phát ngày càng cao ở các nền kinh tế phát triển và một số nền kinh tế đang phát triển lớn đang tạo ra nhiều nguy cơ đe dọa tiến trình phục hồi toàn cầu. Lạm phát toàn cầu lên tới 5,2% trong năm 2021, tăng 2 điểm phần trăm so với xu hướng chung trong 10 năm trở lại đây. Báo cáo cũng cảnh báo hậu quả lâu dài của đại dịch sẽ dẫn tới khoảng cách bất bình đẳng giữa các nước ngày càng xa.
Với phần lớn các nước đang phát triển, khả năng có phục hồi hoàn toàn chỉ số GDP bình quân đầu người hay không hiện vẫn còn là dấu hỏi và tình trạng này sẽ vẫn như vậy kể cả trong năm tiếp theo, 2023. Tuy nhiên, chỉ số GDP bình quân đầu người năm 2023 ở các nền kinh tế phát triển nhiều khả năng sẽ phục hồi được tới mức trước khi xảy ra đại dịch.