LHQ cho phép buôn bán hợp pháp ngà voi

Lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ cấm buôn bán để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng loài voi trên toàn cầu, Liên hợp quốc đã thông qua những biện pháp mới về ngăn chặn buôn lậu ngà voi và sừng tê giác, trong đó có kế hoạch mới cho phép buôn bán hợp pháp ngà voi trên các thị trường thế giới.


Số ngà voi bị thu giữ trong một vụ buôn lậu. Ảnh AP.


Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, ngày 27/7, tại Geneva (Thụy Sĩ) Hội nghị 175 nước thành viên của Công ước LHQ về buôn bán quốc tế các động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) trước hết sẽ cho phép buôn bán số ngà voi của những con voi chết tự nhiên hiện đang cất trong các kho ở nhiều nước trên thế giới.

Kế hoạch mới này sẽ được hoàn thiện và sẽ được phê chuẩn cuối cùng tại Hội nghị CITES ở Bangkok (Băngcốc - Thái Lan) vào tháng 3/2013.


Đây là vấn đề nóng nhất trong các cuộc tranh luận tại Hội nghị CITES kéo dài suốt tuần qua tại Geneva, trong đó tập trung vào lợi ích của nguồn tài chính khổng lồ từ buôn bán ngà voi hợp pháp có thể được sử dụng để tài trợ cho công tác bảo tồn loài voi và các động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng khác, đồng thời cũng là cách để bảo vệ cộng đồng dân cư sống gần các khu vực có những động vật lớn và nguy hiểm. Hợp pháp hóa buôn bán ngà voi có thể làm giảm giá cũng như giảm nhu cầu ngà voi tại các thị trường chợ đen.

Hơn 300 đại biểu đại diện cho 175 nước thành viên CITES và các tổ chức quốc tế cũng đạt được đồng thuận về một loạt biện pháp bảo vệ sinh vật hoang dã cũng như những biện pháp trừng phạt các nước không tuân thủ CITES.


Hội nghị CITES tại Geneva vừa kết thúc cũng quyết định ngừng buôn bán 5 loài bò sát bao gồm tắc kè hoa châu Phi ở Niger (Nigiê), tắc kè hoa Fea ở Ghinê Xích đạo, thằn lằn ở Mozambique (Môdămbích), rùa đầu vàng và rùa đầu da cam ở Lào và một loài thực vật là cây gỗ tếch châu Phi ở Cote D’ivoire (Cốt Đivoa).


Hội nghị cũng quyết định bãi bỏ lệnh cấm trước đây và cho phép nối lại buôn bán mang tính bền vững cây gỗ tếch châu Phi và anh đào ở Congo (Cônggô), vẹt xám châu Phi ở Cameroon (Camơrun), đồng thời quyết định giám sát buôn bán cá sấu ở Colombia (Côlômbia), các loài chim ở quần đảo Solomon (Xôlômông).



TTXVN/Tin tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN