Văn phòng của Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) bị phá hủy tại trại Nur Shams, phía đông thành phố Tulkarm, Bờ Tây. Ảnh tư liệu - minh họa: THX/TTXVN
Theo ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, các lực lượng Israel đã đột kích Trung tâm đào tạo Kalandia do Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) điều hành và tìm cách tiến vào 3 trường học của UNRWA để đóng cửa các cơ sở này. Sự việc này đã gây ảnh hưởng đến 250 học sinh tại 3 trường học của UNRWA ở Đông Jerusalem và 350 học viên tại Trung tâm đào tạo Kalandia.
Ông Dujarric cho biết việc sử dụng hơi cay và “bom âm thanh” trong môi trường giáo dục khi học sinh đang học là “không cần thiết và không thể chấp nhận được". Quan chức này nhấn mạnh hành động này bị coi là đi ngược lại luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc về bảo vệ quyền lợi và quyền miễn trừ của LHQ và nhân viên của tổ chức này.
Động thái trên diễn ra sau khi Quốc hội Israel thông qua luật hạn chế hoạt động của UNRWA tại Gaza, Đông Jerusalem và Bờ Tây, cáo buộc có mối liên hệ giữa một số nhân viên của cơ quan này và lực lượng Hamas. Lập trường của chính phủ Israel và các biện pháp pháp lý mới này đã làm dấy lên lo ngại về tương lai công tác nhân đạo của UNRWA trong khu vực.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cũng báo cáo về tình hình thương vong và người dân phải di dời liên tục tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng do các hoạt động quân sự của Israel, đặc biệt là ở Tulkarm và Jenin. Đánh giá thiệt hại gần đây của OCHA cho thấy tổng chi phí tái thiết ở Gaza và Bờ Tây có thể lên tới 53,2 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Theo OCHA, từ khi thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas có hiệu lực vào ngày 19/1, hơn 57.000 tấn thực phẩm đã được đưa vào Dải Gaza, và hàng viện trợ tiếp tục được phân phối. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) đã cung cấp hơn 550 tấn thức ăn chăn nuôi cho hơn 2.000 gia đình nuôi gia súc ở Gaza, trong khi đó UNRWA cũng đã phân phối 2.500 lều trại trong 2 ngày qua. Tại Khan Younis, 3 nhà máy khử muối đã được phục hồi, cung cấp nước sạch cho 76.000 người. OCHA cũng hỗ trợ hơn 200.000 bệnh nhân hàng tuần thông qua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và thứ cấp.
Trong diễn biến khác, phát biểu tại cuộc họp thứ tư của "Liên minh quốc tế thực hiện giải pháp hai nhà nước" được tổ chức tại Cairo (Ai Cập), Đại sứ Trung Quốc Liêu Lực Cường đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình hình ở Gaza và kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn.
Đại sứ Trung Quốc đã nhắc lại sự ủng hộ của nước này đối với giải pháp hai nhà nước, tin rằng đây là con đường thực tế duy nhất để giải quyết các cuộc xung đột xung đột Israel - Palestine.
Trong tuyên bố sau cuộc họp, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng tái khẳng định cam kết của mình đối với giải pháp hai nhà nước, nhấn mạnh rằng một nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô là cách duy nhất để đạt được hòa bình lâu dài.
Cũng trong ngày 18/2, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cũng lên tiếng chỉ trích các kế hoạch của Mỹ đối với Gaza, cho rằng những kế hoạch này không thể thành công nếu không có sự đồng thuận của người dân Palestine. Động thái này nhằm phản ứng với đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tiếp quản Dải Gaza và tái định cư người Palestine ở các nước khác - động thái được cho có thể làm gia tăng căng thẳng và mất ổn định khu vực Trung Đông.