Ngày 9/7, Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra cảnh báo trên sau khi một cuộc không kích đánh trúng một khu vực dân cư khiến hàng chục dân thường thiệt mạng.
Bộ Y tế Sudan cho biết ít nhất 22 người thiệt mạng và nhiều người khác đã bị thương do cuộc chiến không kích xảy ra một ngày trước đó tại thành phố Omdurman.
Sau gần ba tháng giao tranh nổ ra giữa hai tướng lĩnh hàng đầu của Sudan, cuộc không kích trên là thảm kịch mới nhất khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Các nhân chứng cũng xác nhận rằng trong ngày 9/7, một số vụ không kích đã xảy ra gần dinh tổng thống ở Khartoum và tại thành phố Omdurman, cũng như các cuộc xung đột bằng súng máy và hỏa lực pháo binh ở phía Nam thành phố.
Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ, ông Farhan Haq tuyên bố rằng Tổng thư ký Antonio Guterres đã lên án vụ không kích ở Omdurman.
Ông Haq nói: “Tổng thư ký Guterres lo ngại sâu sắc rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa các lực lượng vũ trang đã đưa Sudan đến bờ vực của cuộc nội chiến toàn diện, có khả năng gây bất ổn cho toàn bộ khu vực”.
Khoảng 3.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột, trong khi những người sống sót trở thành nạn nhân của làn sóng tấn công tình dục và những vụ giết người có mục tiêu sắc tộc, cũng như nạn cướp bóc lan rộng.
Nhiều thi thể bị bỏ lại nằm la liệt trên đường phố ở cả Khartoum và khu vực phía tây Darfur, nơi đã chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt nhất.
LHQ và các khối châu Phi cũng đưa đưa ra cảnh báo về “vấn đề sắc tộc” đối với cuộc xung đột ở khu vực phía Tây Darfur. Trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn ở Sudan, LHQ đang tăng cường hỗ trợ cho những người chạy trốn với số lượng ngày một tăng sang các nước láng giềng.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, gần 3 triệu người đã phải bỏ nhà cửa vì cuộc chiến ở Sudan, trong đó có gần 700.000 người đã chạy trốn sang các nước láng giềng. Nhiều nước trong số đó đang phải vật lộn với nghèo đói và xung đột nội bộ.
Các nỗ lực ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) cho đến nay đã tỏ ra không hiệu quả, với các sáng kiến gây tranh cãi tạo ra sự nhầm lẫn về cách các bên tham chiến có thể được đưa ra bàn đàm phán.
Bộ ngoại giao Mỹ hôm 9/7 cho biết trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao của họ về các vấn đề châu Phi, bà Molly Phee sẽ tới thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vào ngày 10/7 để gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Phi cùng thường dân Sudan để tìm cách chấm dứt xung đột ở quốc gia này.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chúng tôi kêu gọi Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và RSF ngay lập tức kết thúc giao tranh và trở về doanh trại; tuân thủ nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế; không cản trở tiếp cận nhân đạo, đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của thường dân".
Ngoài ra, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi ngày 9/7 thông báo nước này sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nước láng giềng của Sudan vào ngày 13/7 tới để thảo luận về các cách chấm dứt xung đột ở Sudan.
Trong một tuyên bố, ông al-Sissi cho biết Ai Cập sẽ tìm cách "phát triển các cơ chế hiệu quả" cùng với các nước láng giềng và các đối tác khu vực và quốc tế để giải quyết xung đột ở Sudan một cách hòa bình.