Báo cáo do diễn đàn UN-Water và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) thực hiện, được đưa ra ngày trước thềm Hội nghị Nước 2023 của LHQ.
Trong báo cáo, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo "thế giới đang đi chệch hướng" khi việc sử dụng nước không bền vững, tình trạng ô nhiễm và ấm lên toàn cầu ngoài tầm kiểm soát đang khiến nguồn nước trở nên cạn kiệt. Trong khi đó, tác giả của báo cáo - ông Richard Connor cho rằng tác động của "cuộc khủng hoảng nước thế giới" là vấn đề về "các kịch bản". Theo ông Connor, nếu không có nỗ lực nào được thúc đẩy, khoảng 40-50% dân số thế giới sẽ không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh và khoảng 20-25% thế giới sẽ không được tiếp cận với nguồn cung cấp nước sạch. Ông Connor nhấn mạnh dân số thế giới ngày càng tăng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người không được tiếp cận nguồn nước sạch.
Báo cáo cho biết "tình trạng khan hiếm nước" càng trở nên trầm trọng do ô nhiễm và lạm dụng, trong khi sự ấm lên toàn cầu sẽ làm gia tăng tình trạng thiếu nước theo mùa ở cả những khu vực có nhiều nước cũng như những khu vực vốn đã khô cạn. Khoảng 10% dân số thế giới đang sống tại các nước bị đe dọa về nguồn nước.
Báo cáo cũng chỉ ra tác động cụ thể của nguồn nước ô nhiễm do không có hệ thống lọc nước hoặc chất lượng thấp. Theo báo cáo, ít nhất 2 tỷ người trên toàn cầu sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm, khiến gia tăng nguy cơ mắc bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn và bại liệt, trong khi khoảng 3,6 tỷ người không được tiếp cận hệ thống lọc nước hiệu quả. Con số này thậm chí còn chưa tính đến nguy cơ ô nhiễm nước do dược phẩm, hóa chất, thuốc trừ sâu, hạt vi nhựa và vật liệu nano. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái nước ngọt, vốn cung cấp các nguồn lực kinh tế và tiết chế sự ấm lên toàn cầu - "là một trong những nơi bị đe dọa nhất trên thế giới".
Theo báo cáo khí hậu gần đây nhất của Liên hợp quốc, được ban chuyên gia Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố ngày 21/3, "khoảng 50% dân số thế giới hiện đang trải qua tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng trong ít nhất ở một thời điểm trong năm". Ông Connor cho biết người nghèo là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Đặc phái viên Hà Lan về nước Henk Ovink và Chủ tịch UN-Water - ông Gilbert Houngbo đã kêu gọi hành động thiết thực đối với vấn đề cấp bách này, khi tình trạng mất an ninh nguồn nước đang làm suy yếu an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh năng lượng hoặc phát triển đô thị và các vấn đề xã hội.
Hội nghị Nước 2023 sẽ diễn ra từ ngày 22-24/3 tại trụ sở ở New York, Mỹ, do Tajikistan và Hà Lan đồng tổ chức, với khoảng 6.500 khách mời tham dự, trong đó có hàng trăm bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo nhà nước, chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Hồng Hà sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Tại hội nghị này, các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước, lẫn tư nhân, sẽ đề xuất các chương trình bảo vệ nguồn nước, nhằm đảo ngược xu hướng khan hiếm nước và giúp thế giới đạt được mục tiêu phát triển đã được đề ra vào năm 2015, trong đó đảm bảo "tiếp cận nước và hệ thống lọc nước cho tất cả mọi người vào năm 2030". Hội nghị cuối cùng về chủ đề này được tổ chức vào năm 1977 tại Mar de Plata, Argentina.
Báo cáo về nước của LHQ đã kết luận rằng để đảm bảo khả năng tiếp cận nước uống an toàn cho tất cả mọi người vào năm 2030, mức đầu tư hiện tại sẽ phải tăng gấp 3 lần. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã bày tỏ lo ngại về quy mô của những cam kết này và khả năng tài trợ để hiện thực hóa cam kết.