Ngày 6/8/2014, Tổng thống Nga Vladimir Puntin đã ban hành sắc lệnh cấm nhập khẩu thịt, xúc xích, cá, hải sản, rau củ và sản phẩm sữa từ các quốc gia châu Âu, Canada, Australia và Na Uy – các quốc gia đã cấm vận kinh tế Nga.
Đài Sputnik (Nga) đưa tin, sau một đợt tăng giá diễn ra trong thời gian ngắn, giá thực phẩm tại Nga đã bình ổn trở lại khi các nhà sản xuất nội địa và các nhà cung cấp ngoại quốc khác bắt đầu lấp đầy chỗ trống.
Nga đang tìm kiếm thị trường xuất khẩu các loại hạt ngũ cốc mới tại châu Á. Ảnh: Reuters |
"Chúng ta đã chứng kiến một sự tăng trưởng rõ rệt trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trong ngành thịt và sữa, cũng như sự gia tăng trong sản xuất nhà kính”, nhà phân tích tại ngân hàng Rosbank Yevgeny Koshelev nhận xét.
Kể từ tháng 1/2017, hoạt động sản xuất rau trong nhà kính tại Nga đã đạt 507.000 tấn, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệu quả khiêm tốn
Tuy nhiên, bất chấp tỷ lệ tăng trưởng đáng chú ý trong sản xuất nông nghiệp vài năm qua, lĩnh vực này vẫn còn đóng góp nhỏ cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga, chỉ tăng từ 2,5% lên 4%.
“Nông nghiệp không thể là động lực duy nhất cho tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cần thêm các lĩnh vực khác để thực hiện bước đột phá hiện đại hóa mà Nga đang cần”, ông Yaroslav Lisovolik giám đốc câu lạc bộ thảo luận chính trị Valdai lưu ý.
Xuất khẩu thực phẩm
Sản lượng nông nghiệp của Nga có thể trở thành động lực cho nỗ lực của chính phủ nhằm đa dạng hoá xuất khẩu của Nga. Nga đã tăng đáng kể trong hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và lợi nhuận từ xuất khẩu nông nghiệp hiện nay vượt quá doanh số bán vũ khí của Nga ra nước ngoài.
Ông Nikita Maslennikov, chuyên gia tại Viện phát triển hiện đại cho biết: “Nga có mọi thứ cần thiết để trở thành một trong những nhà sản xuất lượng thực dẫn đầu thế giới”. Ông cho biết thêm, Nga đang tìm kiếm những thị trường mới ở châu Á và khu vực Thái Bình Dương.
Theo ông, châu Á là thị trường phát triển nhanh nhất hiện nay nên Nga cần bán nhiều lương thực cho khu vực này nhất có thể, bao gồm đậu nành, thịt lợn và thịt gia cầm.
Nga đang trong giai đoạn đàm phán với Trung Quốc để xuất khẩu thịt, kiều mạch và hoa hướng dương cho nước này.
Cấm vận: Bề chìm và bề nổi
Mặc dù có những kết quả tích cực, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh về sự cần thiết phải có một nguồn tài chính tốt hơn cho nền nông nghiệp Nga, bao gồm các khoản vay và bảo hiểm.
“Trong nông nghiệp, cũng giống như bất cứ lĩnh vực kinh tế khác, chúng ta nhìn thấy các vấn đề chẳng hạn như thời tiết xấu và những thứ khác, đang ngăn cản nó tăng trưởng xa hơn”, ông Maslennikov cho hay, “Ngân hàng Nông nghiệp đang dần cạn tiền để đảm bảo tài chính ổn định cho các nhà nông và đó là một vấn đề nghiêm trọng”.
Ông cũng đề cập tới các vấn đề như cơ sở hạ tầng, nhu cầu hiện đại hóa máy móc và dây chuyền chế biến cũng cần được cấp vốn.
Liên minh châu Âu và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga kể từ năm 2014 do vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraine và vụ sáp nhập bán đảo Crimea. Các lệnh cấm vận này đã được kéo dài thời hạn nhiều lần.
Đáp lại, Nga cũng cấm các doanh nghiệp của nước này nhập khẩu lương thực từ những nước cấm vận Moskva. Các biện pháp hạn chế này sẽ có hiệu lực cho tới ngày 31/12/2017.
Mặc dù đã ký thông qua dự luật, nhưng ông Trump thừa nhận đạo luật trừng phạt Nga là một "sai lầm đáng kể", đồng thời hối thúc Quốc hội Mỹ không dùng biện pháp này để cản trở nỗ lực của Washington trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine cùng với các đồng minh châu Âu.