Lầu Năm Góc ký hợp đồng chế tạo hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine

Lầu Năm Góc tuyên bố các hệ thống NASAMS mới chuyển cho Ukraine đạt tỷ lệ thành công 100% đánh chặn tên lửa Nga. Họ vừa ký hợp đồng với Raytheon nhằm chế tạo thêm nhiều hệ thống như vậy cho Kiev.

Chú thích ảnh
Quân đội Na Uy vận hành một hệ thống NASAMS. Ảnh: Wikipedia

Thêm 6 hệ thống NASAMS nữa sẽ cung cấp cho Kiev trong vòng 2 năm tới, theo hợp đồng đặt chế tạo của Lầu Năm Góc nhằm tăng cường hệ thống phòng không cho Ukraine.Quân đội Mỹ ngày 30/11 thông báo đã ký hợp đồng trị giá 1,2 tỉ USD với người khổng lồ quốc phòng Raytheon nhằm sản xuất 6 Hệ thống Tên lửa đất đối không Tiên tiến Quốc gia (viết tắt là NASAMS) cho Ukraine.

“Công việc chế tạo sẽ được thực hiện ở Tewksbury, Massachusetts, với ngày hoàn thành ước tính là ngày 28/11/2025”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Cho đến nay, Kiev đã nhận được hai trong số tám đơn vị NASAMS mà Washington cam kết viện trợ. Các hệ thống còn lại dự kiến ​​sẽ được chuyển giao cho Ukraine sau khi hoàn tất chế tạo.

Ngoài các khẩu đội NASAMS, hợp đồng ché tạo còn bao gồm các thiết bị và phụ tùng thay thế liên quan, cùng với hoạt động đào tạo và hỗ trợ hậu cần cho quân đội Ukraine.

Hợp đồng nói trên nằm trong cái gọi là Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), cho phép chính quyền Tổng thống Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp quốc phòng thay vì lấy chúng từ các kho quân sự hiện có của Mỹ.

Chú thích ảnh
Mỹ tuyên bố các hệ thống NASAMS cung cấp cho Ukraine đến nay đạt tỷ lệ thành công 100% đánh chặn tên lửa của Nga. Ảnh: DW

Ukraine cho biết họ đang rất cần các hệ thống phòng không, nhằm đối phó với các cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn gần đây của Nga nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng. Moskva đã tăng cường áp lực lên Kiev kể từ ngày 10/10 khi cáo buộc Ukraine sử dụng "chiến thuật khủng bố" và nhắm vào cơ sở hạ tầng của Nga, trong đó có cây cầu chiến lược Crimea, nối với bán đảo cùng tên.

Lầu Năm Góc tuyên bố rằng các hệ thống NASAMS mới được cung cấp cho đến nay đã cho thấy tỷ lệ thành công 100% trong việc đánh chặn tên lửa của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định rằng sau mỗi đợt tấn công tên lửa, tất cả các mục tiêu dự kiến ​​đều bị đánh trúng.

Cho đến nay, Washington là người ủng hộ chính của Kiev trong cuộc xung đột với Nga, cung cấp cho chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 19,8 tỷ USD, bao gồm các phần cứng tinh vi như bệ phóng tên lửa HIMARS, pháo M777 và máy bay không người lái chiến đấu.

Ngoài NASAMS, theo đài RT, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, chính phủ nước này cũng đang cân nhắc xem có nên cung cấp tên lửa đất đối không Patriot cho lực lượng vũ trang Ukraine hay không.

Chú thích ảnh
Quân đội Mỹ phóng thử một quả tên lửa đất đối không Patriot. Ảnh: US Army

Phát biểu trong cuộc họp báo vào tuần trước, một quan chức cấp cao giấu tên của Lầu Năm Góc, khi được hỏi liệu Washington có kế hoạch chuyển Patriot tới Ukraine hay không, đã trả lời: “Tôi chỉ định nói rằng mọi khả năng đều đang được cân nhắc”.

Khi được hỏi liệu điều đó có bao gồm tên lửa Patriot hay không, quan chức này thừa nhận loại vũ khí này là “một trong những khả năng phòng không đang được chính quyền Joe Biden xem xét”.

Tuy nhiên, Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder sau đó đã giải thích thêm về những nhận xét đó trong một cuộc họp báo riêng, nói rằng mặc dù phòng không là “ưu tiên” đối với Ukraine và Washington hiện đang thảo luận về “nhiều khả năng khác nhau”, nhưng không có kế hoạch lập tức về chuyển tên lửa phòng không Patriot. Tuy nhiên, ông Ryder cho rằng điều đó sau này có thể thay đổi, và những vũ khí như vậy không phải là "cắm vào là chạy" mà sẽ cần hỗ trợ đào tạo và bảo trì đáng kể.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh khả năng vận chuyển hệ thống Patriot tới Ukraine trong cuộc họp của liên minh ở Bucharest hôm 29/11, nhưng cũng chỉ ra những phức tạp liên quan đến bảo trì và huấn luyện.

Moskva đã lên tiếng phản đối việc triển khai Patriot và bất kỳ nhân viên hỗ trợ nào của NATO tới Ukraine. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev, cảnh báo rằng những chuyến hàng như vậy sẽ trở thành "mục tiêu hợp pháp" cho các lực lượng Nga.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Xung đột Nga - Ukraine 'lan sang' Moldova
Xung đột Nga - Ukraine 'lan sang' Moldova

Một loạt sự kiện đáng lo ngại làm dấy lên nguy cơ về việc Moldova bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa các nước láng giềng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN