Đây là những điểm mới trong quy định phòng dịch mà chính phủ quốc gia Đông Bắc Âu này thông qua ngày 14/7.
Ngoài ra, Chính phủ Latvia cũng ủng hộ đề xuất bắt buộc tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với nhân viên trong các cơ sở chăm sóc y tế, cơ sở chăm sóc xã hội dài hạn và trung tâm giáo dục. Trong các lĩnh vực mà người lao động phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng hay đảm nhận công việc thiết yếu trong doanhh nghiệp, người chủ lao động có quyền sa thải những người không có giấy chứng nhận tiêm vaccine. Tuy nhiên, người sử dụng lao động sẽ không được phép sa thải phụ nữ chưa được tiêm phòng nếu họ đang mang thai, cho đến một năm sau khi sinh con hoặc trong suốt thời gian cho con bú.
Các quy định mới đã được đưa ra nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm đối với người Latvia. Hiện, những quy định mới này cần sự thông qua của Quốc hội nước này.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Đông Âu dẫn lời Cao ủy phụ trách chương trình vaccine quốc gia nước này, ông Michał Dworczyk, cho biết Ba Lan sẽ bán lại số lượng vaccine ngừa COVID-19 dư thừa cho các nước. Theo ông, điều này phụ thuộc vào số lượng vaccine Ba Lan sẽ tiếp nhận.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan dự trữ chiến lược của Chính phủ Ba Lan, ông Michał Kuczmierowski, cho biết nước này đã đặt mua khoảng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và sẽ tiếp tục tiếp nhận các đợt chuyển giao tới cuối quý I/2022. Theo hợp đồng ký kết với Ủy ban châu Âu, Ba Lan sẽ dư thừa ít nhất 4 triệu liều vaccine. Tuy nhiên, nước này lên kế hoạch có thể bán 10 triệu liều, trong đó ưu tiên cho các nước láng giềng phía Đông và một số nước Balkan.
Tính đến ngày 17/4, quốc gia Trung Âu này đã có gần 15,5 triệu người được tiêm vaccine đầy đủ và 17,5 triệu người được tiêm một mũi.
Tại châu Á, theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, Bộ Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản (MHLW) thông báo sẽ cho phép giảm độ tuổi đối tượng tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19 của hãng Moderna từ 18 xuống 12 tuổi. Trước đó vào tháng 5, bộ này cũng đã quyết định giảm độ tuổi đối tượng tiêm chủng vaccine của hãng Pfizer từ 16 xuống 12 tuổi.
Tháng 5, hãng Moderna đã đề nghị cơ quan chức năng của Nhật Bản cho phép giảm độ tuổi đối tượng tiêm chủng xuống 12 tuổi, tuy nhiên, tại thời điểm đó, MHLW cho biết chưa đủ dữ liệu về hiệu quả, tính an toàn và vẫn giữ nguyên độ tuổi tiêm chủng là trên 18 tuổi. Hiện Moderna đã khẳng định tính an toàn và mức độ hiệu quả sau khi hoàn thành thử nghiệm lâm sàng vaccine đối với 3.700 người trong độ tuổi từ 12 đến 17 tại Mỹ. Moderna đã cung cấp dữ liệu bổ sung cho MHLW thông qua công ty dược phẩm Takeda của Nhật Bản.
Theo đài truyền hình NHK, công tác thẩm định của MHLW đã hoàn thành và dự kiến cơ quan này đưa ra quyết định chính thức tại cuộc họp của hội đồng chuyên gia diễn ra vào ngày 19/7.
Nhật Bản đang sử dụng vaccine phòng chống COVID-19 của hãng Moderna và Pfizer. Tính đến ngày 13/7, khoảng 31% dân số Nhật Bản đã được tiêm mũi 1 và 19,1% được tiêm mũi thứ hai. Chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng vaccine COVID-19 cho những người có nguyện vọng trong khoảng tháng 10-11.