Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden ngỏ ý sẵn sàng trao đổi với Iran về việc quay trở lại Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA)-thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Nòng cốt của JCPOA là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Tổng thống Joe Biden cam kết đưa Mỹ quay trở lại JCPOA. Tuy nhiên, trong những tuần đầu tiên ông Biden bước vào Nhà Trắng, lệnh trừng phạt từ thời ông Trump với Iran vẫn tồn tại.
Chính quyền Tổng thống Biden khẳng định rằng cần có điều kiện tiên quyết là Iran đảm bảo tuân thủ các cam kết thì Mỹ mới cân nhắc về việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, Tehran yêu cầu Washington nới lỏng lệnh trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Trump. Cả Iran và Mỹ chưa thể thống nhất được phía nào sẽ có động thái đầu tiên.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói rằng trừ khi có động thái sớm về khôi phục thỏa thuận nếu không ngoại giao sẽ tạm ngưng trong nhiều tháng bởi cuộc bầu cử Tổng thống Iran dự kiến diễn ra vào ngày 18/6.
Trong bài phát biểu ngày 21/3, Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei nói rằng các quan chức Iran nên chuẩn bị cho khả năng lệnh trừng phạt không được sớm nới lỏng. Theo Reuters, ông Ali Khamenei là người quyết định chính sách hạt nhân của nước này.
Lãnh đạo tối cao Iran nhấn mạnh: “Phía Mỹ phải nới lỏng mọi lệnh trừng phạt. Chúng ta sẽ kiểm chứng và nếu các lệnh trừng phạt thực sự được hủy bỏ thì chúng ta sẽ quay trở lại với nghĩa vụ theo thỏa thuận mà không có bất cứ vấn đề nào. Iran có nhiều kiên nhẫn”.
Nhà phân tích Henry Rome tại công ty Eurasia Group (Mỹ) nhận định rằng qua phát biểu của Lãnh đạo tối cao Khamenei, nhiều khả năng thỏa thuận hạt nhân sẽ không được tái sinh trước cuộc bầu cử tổng thống của Iran. Ông Henry Rome nhận định rằng một cuộc họp Mỹ-Iran có thể diễn ra nhưng có thể sau tháng 6.