Theo trang Al Jazeera, khi các trường hợp mắc hợp COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở thị trấn biên giới Mae Sot của Thái Lan hồi tháng 4 năm ngoái, cô Hnin Hnin, giáo viên đến từ Myanmar, vẫn có thể mở cửa trường học cho trẻ em nhập cư.
Vào thời điểm đó, các ca mắc và tử vong vẫn còn thấp. Hnin lạc quan một cách thận trọng rằng đại dịch sẽ sớm kết thúc. Trường học của cô hoạt động dựa trên nguồn viện trợ từ một tổ chức từ thiện địa phương, đã nhận được hỗ trợ thực phẩm, bộ dụng cụ vệ sinh và khẩu trang.
Nhưng một năm sau, nhiều nhà máy trong khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm liên quan đến biến thể Delta nguy hiểm, bệnh viện trở nên quá tải, các tỉnh ở biên giới Thái Lan - Myanmar phải phong toả kéo dài, trường học của Hnin Hnin cũng buộc phải đóng cửa.
“Nhiều người đã tử vong. Rất nhiều bạn bè của tôi đã không qua khỏi. Dịch bệnh lây lan rất nhanh và hiện nhiều khu vực ở Mae Sot đã bị ảnh hưởng”, cô nói.
Hồi tháng 7, một người bạn và đồng nghiệp của cô đã mắc COVID-19. Bạn của Hnin đã cố gắng đến bệnh viện khi tình trạng xấu đi nhưng đã bị từ chối vì không có giường bệnh. Người phụ nữ này cũng đã gọi trợ giúp tại nhà nhưng không được hỗ trợ. Cô ấy đã không qua khỏi.
Làn sóng COVID-19 mới nhất đã tấn công Thái Lan, đẩy số ca mắc ở nước này lên trên 1,4 triệu người và vượt ngưỡng 14.700 ca tử vong. Thái Lan hiện ghi nhận trung bình 15.000 ca mắc mới với khoảng 175 ca tử vong mỗi ngày, cao hơn nhiều so với năm ngoái, khi số ca mắc hàng ngày rất ít và ca tử vong rất hiếm.
Khi COVID-19 bùng phát, các tổ chức làm việc tại biên giới cho biết hàng nghìn người di cư và trên 90.000 người tị nạn tại đây phải đối mặt với hàng loạt thách thức, như không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quan đến COVID-19. Khi các nhà máy và nơi họ làm việc phải đóng cửa, sinh kế của nhiều người cũng gặp khó khăn.
Hnin hiện phải đối mặt với khả năng đóng cửa trường học trong nhiều tháng. Cô cho biết mình từng kiếm được khoảng 100 USD mỗi tháng nhưng hiện tại không đủ tiền ăn. Cô cũng cảm thấy lo lắng cho các học sinh.
“Việc đóng cửa đã khiến mọi người mất việc làm và không có tiền. Lúc đầu, chúng tôi dựa vào tiền quyên góp, nhưng nó đang dần cạn kiệt. Tôi thực sự mong muốn các trường học dành cho người di cư sẽ sớm mở cửa. Hiện nay, rất nhiều trẻ em bị buộc phải đi làm hoặc lang thang trên đường phố”, Hnin nói.
Trong khi đó, giới chức Mae Sot đã áp đặt các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt trong khu vực đối với người nhập cư sau khi ghi nhận các ca mắc gia tăng tại một số nhà máy vào cuối tháng 6. Theo tờ Bangkok Post, khi đó, hơn một nửa số công nhân tại 3 nhà máy, khoảng 452 người, đã mắc COVID-19. Giới chức khu vực đã ra lệnh đóng cửa cả 3 nhà máy này.
Ngoài thắt chặt các hạn chế, cộng đồng của Hnin có rất ít cơ hội tiếp cận với vaccine, khiến họ có nguy cơ cao nhiễm virus. Khi những người Thái Lan xung quanh cô bắt đầu được tiêm chủng, cô tự hỏi tại sao cộng đồng của cô lại bị bỏ rơi.
Ông Braham Press, Giám đốc Quỹ MAP, tổ chức phi chính phủ về quyền các cộng đồng nhập cư từ Myanmar đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan, nói: “Phong toả để kiểm soát COVID-19, nhưng người nhập cư không nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính nào để vượt qua giai đoạn khó khăn vì mất thu nhập”. Ông cho rằng vaccine hiện là giải pháp hữu hiệu nhất.
Song ông cho biết đối với những người nhập cư, việc tiêm chủng bất kỳ loại vaccine nào cũng một vấn đề đáng tranh luận. Một số ít người di cư đã được người sử dụng lao động cung cấp dịch vụ tiêm chủng, nhưng hầu hết phải trả phí dịch vụ. Nhiều công nhân nhập cư đã lâm vào cảnh nợ nần, cố gắng sống sót qua đợt suy thoái kinh tế từ những làn sóng dịch bệnh trước đó.
Thái Lan là điểm đến phổ biến của người di cư Đông Nam Á. Quốc gia này có chung đường biên giới trên bộ với 4 nước Myanmar, Lào, Campuchia và Malaysia. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, ước tính có khoảng 4-5 triệu người di cư từ Campuchia, Lào, Myanmar và các quốc gia khác trong khu vực đang làm việc tại Thái Lan.
Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR) cho biết người di cư và người tị nạn cần được hỗ trợ đầy đủ từ chính phủ, bao gồm các phương pháp điều trị bệnh và kế hoạch phân phối vaccine.
Morgane Roussel Hemery, nhân viên tại UNHCR, cho biết: “COVID-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi người và những người khó khăn ở Thái Lan cũng có nguy cơ mắc và lây truyền virus như người dân địa phương. Họ dễ bị tổn thương do những thách thức mà họ có thể đối mặt trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tiếp cận thông tin về COVID-19 và hỗ trợ y tế.”
Tại Mae Sot, Hnin lo lắng học sinh của cô sẽ không được đến trường và sợ rằng nhiều người có thể chết nếu không được tiêm vaccine và không được chăm sóc sức khỏe.
“Nếu bạn là người Thái Lan, bạn có thể được tiêm vaccine miễn phí. Nhưng đối với những người di cư, chúng tôi không thể có được nó ngay cả khi chúng tôi có tiền. Tôi nghĩ rằng một số người sẽ chết nếu họ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ”, cô nói.