Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài cuối: Những 'chú ong thợ' Việt Nam đầy nghị lực

Vẫn còn một số bất cập, song không thể phủ nhận những kết quả đáng khích lệ mà chương trình TITP đem lại cho các tu nghiệp sinh Việt Nam cũng như doanh nghiệp Nhật Bản. Không ít tu nghiệp sinh Việt Nam sau những năm chăm chỉ, nỗ lực tại xứ người đã trở thành những lao động nòng cốt của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Nguyễn Lộc Hải Đăng, một trong những tu nghiệp sinh Việt Nam đầu tiên nhận được visa Kỹ năng đặc định 1, tại nơi làm việc.

Đầu năm nay, Nguyễn Lộc Hải Đăng và Võ Văn Chiến, hai tu nghiệp sinh Việt Nam tại tỉnh Saga đã xuất sắc giành chứng chỉ tay nghề cấp N2, chuyên ngành lắp đặt cốt thép. Ba tháng sau, Vũ Sĩ Luân, thực tập sinh Việt Nam tại công ty Shanshin Kogyo ở tỉnh Gunma, đã đỗ chứng chỉ cấp N2 trong kỳ thi tay nghề ngành đúc nhựa tổ chức ngày 7/4. 

Các cuộc thi tay nghề của công nhân trên nhiều lĩnh vực khác nhau được tổ chức theo định kỳ 2 lần/năm. Cấp 2 và cấp 1, trong đó cấp 1 là cấp cao nhất, là một điều kiện tay nghề cần thiết để đủ tư cách đảm nhận vai trò quản đốc. Cấp N2 là một trình độ khó về tay nghề kể cả đối với lao động Nhật Bản. Đối với người nước ngoài, việc đạt được chứng chỉ N2 không chỉ đòi hỏi hỏi kỹ năng chuyên môn tốt mà còn yêu cầu cao về tiếng Nhật. 

Chính vì những khó khăn này, nên việc lao động nước ngoài đạt được trình độ N2 đã trở thành một sự kiện đáng chú ý tại Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu lao động tay nghề cao của các doanh nghiệp nước này đang tăng mạnh. Sự kiện Đăng và Chiến đỗ chứng chỉ tay nghề N2 đã được báo Mainichi, một trong những nhật báo hàng đầu của Nhật Bản, đăng tải chi tiết ngày 19/6. Nhật báo Mainichi nhấn mạnh rằng Đăng và Chiến là hai người nước ngoài đầu tiên đỗ chứng chỉ tay nghề cấp 2 trong một kỳ thi chỉ dành cho người Nhật Bản. 

“Cố gắng một tý sẽ đạt được thôi ạ”. Đó là câu Nguyễn Lộc Hải Đăng trả lời khi tôi hỏi về những khó khăn mà Đăng phải vượt qua để được như ngày hôm nay. Hải Đăng quê ở Bình Thuận, đến Nhật Bản tháng 10/2014 theo diện tu nghiệp sinh ngành xây dựng. Đăng đảm nhận công việc gia công và lắp đặt cốt thép tại Công ty gia công cốt thép Fukuda ở tỉnh Saga. Đây là công việc hoàn toàn khác với chuyên môn công nghệ ô tô mà Đăng đã học tại Việt Nam.  

Trước khi sang Nhật Bản, Đăng có 8 tháng học tiếng Nhật tại Hà Nội. Trong thời gian này, ngay khi nhận định khó có khả năng được sang Nhật làm việc đúng với chuyên ngành ô tô, Đăng đã tự tìm hiểu trước về ngành xây dựng sau khi xác định sẽ làm việc trong chuyên ngành này tại Nhật Bản. 

Đã có sự chuẩn bị chút ít về ngôn ngữ cũng như kiến thức công việc, song khi sang đến Nhật Bản, Đăng mới thực sự hiểu những thử thách mà mình phải đối mặt. Khó khăn đầu tiên của Đăng là tiếng Nhật. Tám tháng học ở Việt Nam không đủ để chàng thanh niên Bình Thuận giao tiếp thuận lợi trong cuộc sống cũng như công việc. Tại công ty, Hải Đăng là lao động Việt Nam đầu tiên. Đây quả thực là trở ngại đối với Đăng khi làm việc trong một chuyên ngành chưa được đào tạo bài bản, không có người Việt Nam nào đã vào làm việc trước để có thể hỏi kinh nghiệm hoặc được hướng dẫn. Đăng buộc phải học hỏi từ đồng nghiệp Nhật Bản bằng vốn tiếng Nhật ít ỏi của mình. 

Khó khăn trong công việc, trong những ngày đầu bỡ ngỡ với cuộc sống mới không làm Đăng chùn bước. Như một chú ong thợ cần mẫn và nghị lực, kiên trì học hỏi, trau dồi cả tiếng Nhật lẫn tay nghề, sau khoảng một năm, Đăng bắt đầu có sự tự tin trong giao tiếp tiếng Nhật và sau khoản một năm rưỡi, Hải Đăng đã bắt nhịp tốt với tiến độ công việc. 

Hải Đăng đi theo chương trình tu nghiệp sinh 3 năm và đã trở về nước tháng 10/2017, sau khi thời hạn làm việc theo hợp đồng kết thúc. Vào thời điểm đó, Chính phủ Nhật Bản đã có những thay đổi đối với chương trình tu nghiệp sinh, trong đó có việc kéo dài thời gian tu nghiệp tại Nhật Bản cho các lao động nước ngoài lên 5 năm. Hải Đăng kể lại: “Khi em vừa kết thúc chương trình tu nghiệp sinh 3 năm, nắm bắt được những chuyển đổi chính sách đối với chương trình TITP của Chính phủ Nhật Bản, giám đốc công ty Fukuda đã chủ động trao đổi với em về việc  muốn tuyển dụng em làm thêm 2 năm nữa cho công ty theo chính sách mới. Vì vậy, sau khi về nước theo thời hạn trong hợp đồng ký đầu tiên, 4 tháng sau em đã trở lại Nhật Bản làm việc thêm 2 năm nữa”.

Lần thứ hai sang Nhật làm công việc đã có kinh nghiệm, trong môi trường làm việc quen thuộc, tâm lý của Đăng thoải mái và tự tin. Thái độ cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm trong công việc đã giúp Đăng nhận được sự tín nhiệm của ban giám đốc và đồng nghiệp trong công ty. Chính vì vậy, ngay khi chương trình visa Kỹ năng đặc định 1 dành cho lao động tay nghề cao chính thức có hiệu lực tại Nhật Bản từ ngày 1/4/2019, Hải Đăng đã trở thành một trong những lao động nước ngoài đầu tiên đủ tư cách để được cấp loại visa này.  

Đánh giá về Hải Đăng, Giám đốc công ty Fukuda, ông Fukuda Nobuyuki, cho biết ông hoàn toàn tin tưởng giao phó cho Hải Đăng đảm đương vai trò chủ chốt tại công trường vì năng lực chuyên môn của Đăng rất vững. Sự tin tưởng vào tay nghề của Đăng đã trở thành động lực để giám đốc công ty Fukuda khuyến khích chàng thanh niên này tham gia kỳ thi xếp hạng tay nghề của chuyên ngành xây dựng cốt thép dành cho người Nhật Bản. 

Trả lời báo Mainichi, Hải Đăng thật thà nói rằng Đăng không quá căng thẳng khi làm bài thi. Đăng vui vì đã vượt qua thử thách, đạt được thành tích tốt sau thời gian dài nỗ lực trong công việc. Tuy nhiên, với Đăng, đây chỉ là một bước ngoặt nhỏ trong quá trình nâng cao tay nghề. Mục tiêu tiếp theo của Đăng là thi đỗ tay nghề cấp 1, cấp cao nhất. Anh đang tiếp tục nâng cao tay nghề để hướng tới mục tiêu được trở thành quản đốc.

Chú thích ảnh
Ảnh Vũ Sĩ Luân đạt chứng chỉ tay nghề N2 được đăng tải trên trang nhất của webite công ty Shanshin Kogyo. 

Hiện tại, công ty Fukuda có khoảng 20 lao động, trong đó có 8 người Việt. Hải Đăng đang là người có kinh nghiệm lâu nhất, được công ty tin tưởng giao phó công việc dạy tiếng Nhật và công việc cho các công nhân khác. Khi được khen vì đã đỗ tay nghề cấp 2, Hải Đăng trả lời một cách giản dị: “Nếu bất cứ ai với khoảng thời gian sang Nhật và làm việc như em, chỉ cần cố gắng tiếng Nhật một tý, công việc một tý, em tin họ sẽ đạt được kết quả này thôi ạ”.

“Em đến Nhật làm việc vì muốn học hỏi kỹ thuật công nghệ của Nhật Bản”, Võ Văn Chiến, đã trả lời như vậy với báo chí Nhật Bản sau khi đỗ tay nghề cấp N2 trong kỳ thi tay nghề chuyên ngành xây dựng cốt thép tại tỉnh Saga. 

Giám đốc công ty nơi Chiến làm việc đã đánh giá trình độ nghề cấp 2 của chuyên ngành này như sau: “Phải nhớ rất nhiều thứ, trình độ này rất khó ngay cả với người Nhật và Chiến đã vượt qua được thử thách này”. Cũng gặp khó khăn về ngoại ngữ trong những ngày đầu sang Nhật, Chiến vẫn cố gắng từng ngày học hỏi, tích lũy kinh nghiệm với sự trợ giúp của các đồng nghiệp Nhật Bản. Mục tiêu tiếp theo của Chiến là đỗ tay nghề cấp N1 và được thử sức làm việc với những công trình lớn hơn. 

Chưa bao giờ cơ hội cho lao động nước ngoài tại thị trường Nhật Bản lại nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Nhật Bản là một thị trường lao động dễ dãi. Lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam, sang Nhật Bản dưới bất kỳ hình thức nào, đều cần phải có ý thức về một thái độ làm việc nghiêm túc, chăm chỉ, tinh thần học hỏi và sự tuân thủ luật pháp của nước sở tại.

Đăng, Chiến và Luân, những chàng thanh niên từ những địa phương khác nhau trên đất nước Việt Nam, đến Nhật Bản làm việc theo chương trình TITP. Cả ba chàng thanh niên Việt Nam đều cùng đối mặt với những khó khăn, thử thách của những ngày đầu đến Nhật Bản. Với sự cần cù, trách nhiệm và nghị lực, cả ba đều đã tạo dựng được bước phát triển tốt đẹp cho câu chuyện làm việc tại Nhật Bản của những lao động Việt Nam.

Bài và ảnh: Nguyễn Tuyến (TTXVN)
Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài 4: Thách thức và giải pháp đối với lao động Việt Nam  
Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài 4: Thách thức và giải pháp đối với lao động Việt Nam  

Thực tập sinh đi theo chương trình TITP chiếm phần lớn số lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đây cũng là chương trình nảy sinh nhiều vấn đề bất cập nhất. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN