Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài 3: Lao động Việt Nam - nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường

Trong số các quốc gia phái cử lao động sang Nhật Bản, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia có mức tăng nhanh nhất. Các chương trình đưa số lượng lớn lao động nước ngoài sang Nhật Bản như TITP, du học sinh, kỹ năng đặc định đều có sự đóng góp đáng kể của lao động Việt Nam.

TITP - Chương trình hợp tác lao động lớn nhất 

Chú thích ảnh
Trụ sở của Lead Giken - một doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản tuyển dụng du học sinh Việt Nam.

Trong chương trình TITP, Việt Nam là quốc gia có số lao động tăng nhanh nhất với tốc độ tăng 31,9%. Theo số liệu thống kê mới nhất, Việt Nam có 326.840 lao động tại Nhật Bản, đứng đầu trong nhóm Đông Nam Á. Theo thống kê của Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và cư trú, đến hết tháng 11/2019 đã có 84.817 thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh mới Nhật Bản, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước (số này chưa bao gồm 11.392 thực tập sinh năm thứ tư nhập cảnh), nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam thực tập tại Nhật Bản đến thời điểm tháng 10/2019 lên 193.912 người, chiếm 50,5% tổng số thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản.

Tiếp theo là Trung Quốc với 86.982 người, chiếm 22,6%, Philippines 34.965 người, chiếm 9,1% và Indonesia 32.489 người, chiếm 8,5%. Thực tập sinh Việt Nam làm việc chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo (gồm cả sản xuất đồ ăn, uống), xây dựng và nông nghiệp.

Các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục có đánh giá tích cực đối với thực tập sinh Việt Nam, nhất là những thực tập sinh năm thứ tư và năm thứ năm về tay nghề. Một số công ty tiếp nhận giao cho thực tập sinh năm tư hoặc năm phụ trách việc sản xuất của xưởng, của dây chuyền. Nhiều công ty tiếp tục có nhu cầu cao trong tiếp nhận lao động, nhất là trong ngành nghề hộ lý, sản xuất chế tạo, sản xuất đồ ăn uống, xây dựng, nông nghiệp.

Lead Giken là một doanh nghiệp nhỏ về gia công cơ khí và khuôn mẫu chính xác có trụ sở đặt tại tỉnh Kanagawa. Giám đốc đại diện công ty cổ phần Lead Giken, ông Minoru Ogawa, thừa nhận thực trạng dân số giảm đã khiến cho các doanh nghiệp nhỏ như Lead Giken rất khó tuyển lao động Nhật Bản.

Giám đốc Ogawa cho biết Lead Giken Nhật Bản có 7 thực tập sinh nước ngoài đang làm việc, tất cả đều là người Việt Nam. Các thực tập sinh Việt Nam đều học hành và làm việc chăm chỉ, vui vẻ. Ông mong muốn các thực tập sinh sau khi kết thúc thời gian ở Nhật Bản sẽ về nước và làm việc tại Lead Giken Việt Nam.

Doanh nghiệp xây dựng Real Kensetsu cũng đối mặt với tình trạng khó tuyển dụng lao động Nhật Bản. Đó là lý do chính để doanh nghiệp này quyết định tiếp cận thị trường tuyển dụng lao động tại Việt Nam từ năm 2014. Hiện nay, tại Real Kensetsu có tổng cộng 20 lao động Việt Nam và được phân công tại nhiều công trình xây dựng mà doanh nghiệp thực hiện tại vùng Kanto.

Du học sinh 

Chú thích ảnh
Thực tập sinh Việt Nam và đồng nghiệp Nhật Bản trong giờ giải lao tại nơi làm việc.

Theo số liệu của Tổng cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản, tính đến cuối tháng 6/2019, có 82.266 du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Đây là loại visa được đánh giá đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp làm giáo dục tại Nhật Bản. Không chỉ đóng góp doanh thu cho ngành giáo dục Nhật Bản, du học sinh còn là nguồn cung cấp lao động bán thời gian, đặc biệt quan trọng đối với ngành dịch vụ Nhật Bản như nhà hàng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khách sạn…

Du học sinh Việt Nam được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động của ngành dịch vụ. Đại diện hệ thống Ten Allied, sở hữu hệ thống Tengu Sakaba và nhiều quán rượu khác, đánh giá du học sinh Việt Nam làm việc chăm chỉ và cẩn thận. Ten Allied cho rằng các du học sinh Việt Nam sẽ là lựa chọn tốt nhất nếu họ trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp tiếng Nhật.

Lao động Việt Nam là nhóm lao động nước ngoài đông nhất tại Ten Allied tính đến tháng 7/2017 với tổng cộng 480 nhân viên. Chimney, sở hữu hệ thống quán rượu Hana no Mai, cũng tăng cường tuyển dụng lao động Việt Nam. Tính đến tháng 6/2017, doanh nghiệp này tuyển dụng 214 nhân viên Việt Nam, chiếm 42% trên tổng số 512 nhân viên bán thời gian. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch nâng cấp các nhân viên Việt Nam làm bán thời gian lên nhân viên chính thức.

Kỹ năng đặc định và lao động có trình độ chuyên môn cao

Về lao động kỹ năng đặc định, kể từ tháng 5/2019, lao động đặc định nước ngoài đầu tiên nhập cảnh Nhật Bản là người Việt Nam. Theo số liệu chính thức, đến hết tháng 11/2019, đã có tổng cộng 544 lao động đặc định nước ngoài nhập cảnh Nhật Bản, trong đó, Việt Nam chiếm số đông nhất với 280 người.

Đối với lao động có trình độ chuyên môn cao, hiện có gần 5.000 lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên đang làm việc tại Nhật Bản theo visa kỹ thuật, nhân văn... Trong số này, nhiều lao động là du học sinh tốt nghiệp trường cao đẳng nghề, đại học rồi ở lại làm việc nhưng cũng ngày càng nhiều lao động được tuyển trực tiếp từ Việt Nam sang theo hợp đồng cá nhân. Lao động là kỹ sư, kỹ thuật viên trong lĩnh vực cơ khí tập trung đông ở tỉnh Aichi, Shizuoka, Osaka và các tỉnh vùng Kanto. Nhiều lao động trong số này do các công ty haken (cung ứng nhân lực) tuyển dụng.

Lao động Việt Nam được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về trình độ, năng lực. Tại nhà máy Maebashi của Công ty Koganei Seiki ở Gunma, nơi chuyên sản xuất các linh kiện công nghệ cao cho động cơ máy bay phản lực, xe đua công thức 1, ô tô xe máy đặc chủng với độ sai số gần như bằng không, có 39 kỹ sư Việt Nam đang làm việc. Hầu hết những kỹ sư này tốt nghiệp Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội; làm việc ở đây khoảng 3 đến 5 năm, có người được 11 năm. Công ty đã tiếp cận thị trường lao động Việt Nam từ rất sớm thông qua việc tìm đến các trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam và tiến hành các đợt tuyển dụng trực tiếp.

Chủ tịch Koganei Seiki Co.,Ltd, ông Yusuke Kamoshita cho biết công ty bắt đầu tuyển dụng lao động Việt Nam từ hơn 10 năm trước với nội dung công việc hoàn toàn giống với các nhân viên Nhật Bản. Koganei Seiki là doanh nghiệp gia công, nhân viên Việt Nam sẽ phụ trách gia công máy móc, thiết kế chương trình. Doanh nghiệp chỉ có duy nhất một người Việt Nam làm công việc hành chính, đó là “vợ của một nhân viên Việt Nam tại nhà máy”.

Ban lãnh đạo công ty khẳng định nhân viên Việt Nam có đóng góp rất lớn cho sự thịnh vượng của nhà máy, đặc biệt là những sáng kiến cải tiến về mặt kỹ thuật đã đem lại lợi nhuận lớn, trong đó có anh Vũ Lê Bình, kỹ sư lập trình máy gia công và trực tiếp tham gia sản xuất. Anh Bình sang làm việc tại Koganei Seiki từ năm 2007, được đồng nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về cải tiến kỹ thuật do anh đề xuất.

Các chương trình tuyển dụng thực tập sinh hộ lý và điều dưỡng

Trong khuôn khổ chương trình tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý EPA, năm 2019 là năm thứ hai hộ lý EPA Việt Nam tham gia kỳ thi quốc gia Nhật Bản theo quy định. Trong số 106 người tham gia thì có 93 người đỗ, đạt tỷ lệ 87,7%, cao hơn mức đỗ bình quân và cao hơn nhiều so với tỷ lệ đỗ của một số nước Đông Nam Á.

Đối với điều dưỡng, năm 2019, có 48 điều dưỡng Việt Nam tham gia thi và có 23 người đỗ, đạt tỷ lệ 47,9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ đỗ của điều dưỡng EPA Indonesia và Philippines. EPA là chương trình xuất khẩu lao động ngành điều dưỡng và hộ lý sang Nhật Bản, kết quả của Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) Việt Nam – Nhật Bản ký năm 2012. 

Về thực tập sinh hộ lý, đến nay, thực tập sinh hộ lý Việt Nam vẫn chiếm số lượng đông nhất với khoảng 1.000 người. Mặc dù số lượng công ty được đưa thực tập sinh hộ lý tăng lên nhưng số lượng nhập cảnh không tăng nhiều do nguồn ứng viên hạn chế, lại thêm thời gian đào tạo dài. Các cơ sở tiếp nhận đánh giá cao thực tập sinh hộ lý Việt Nam và có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn.

Việt Nam đang nổi lên là một trong những nguồn cung chủ chốt cho thị trường lao động Nhật Bản. Bài toán hiện nay là làm thế nào để Việt Nam duy trì được ưu thế đó, tiếp tục được đánh giá là một trong những nguồn tuyển dụng ưa thích của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản.

Bài 4: Thách thức và giải pháp đối với lao động Việt Nam

Bài và ảnh: Nguyễn Tuyến (TTXVN)
Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài cuối: Những 'chú ong thợ' Việt Nam đầy nghị lực
Lao động châu Á tại Nhật Bản - Bài cuối: Những 'chú ong thợ' Việt Nam đầy nghị lực

Vẫn còn một số bất cập, song không thể phủ nhận những kết quả đáng khích lệ mà chương trình TITP đem lại cho các tu nghiệp sinh Việt Nam cũng như doanh nghiệp Nhật Bản. Không ít tu nghiệp sinh Việt Nam sau những năm chăm chỉ, nỗ lực tại xứ người đã trở thành những lao động nòng cốt của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN