Làm thế nào ngân hàng Top 20 của Mỹ sụp đổ trong 48 giờ và chuyện gì xảy ra tiếp theo

Tại sao Ngân hàng Thung lũng Silicon - nằm trong Top 20 ngân hàng thương mại hàng đầu Mỹ, sụp đổ quá chóng vánh chỉ trong vòng 48 giờ?

Chú thích ảnh
Ngân hàng Thung lũng Silicon đã sụp đổ nhanh chóng vào ngày 10/3. Trong ảnh, người dân xếp hàng bên ngoài trụ sở ngân hàng đã bị đóng cửa tại Santa Clara, California. Ảnh: Getty Images

Ngân hàng Ngân hàng Thung lũng Silicon - một ngân hàng dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ của Mỹ, đã sụp đổ quá chóng vánh, khiến các khách hàng và nhà đầu tư quyền lực rơi vào tình trạng chới với.

Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã bị các cơ quan quản lý của bang California đóng cửa vào sáng 10/3 theo giờ địa phương và được đặt dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ. Trước khi bị cơ quan quản lý đóng cửa, cổ phiếu của SVB đã bị tạm dừng giao dịch vào sáng cùng ngày sau khi giảm hơn 60% trong giao dịch trước giờ mở cửa (premarket) vào 9/3, khi ngân hàng này bán ra một danh mục trái phiếu Kho bạc Mỹ và 1,75 tỷ USD cổ phiếu để trang trải cho khách hàng đang rút tiền gửi.

Đối mặt với tình trạng rút tiền đột ngột và khủng hoảng vốn, Ngân hàng Thung lũng Silicon đã sụp đổ và được các cơ quan quản lý liên bang tiếp quản. Đây là vụ phá sản lớn nhất của một ngân hàng Mỹ kể từ sau vụ Washington Mutual vào năm 2008.

Dưới đây là những gì chúng ta biết về sự sụp đổ của SVB và những gì có thể xảy ra tiếp theo.

Lịch sử của SVB

Được thành lập vào năm 1983, SVB chuyên cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các công ty khởi nghiệp công nghệ. Ngân hàng này cung cấp tài chính cho gần một nửa số công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ liên doanh của Mỹ.

Mặc dù tương đối ít được biết đến bên ngoài Thung lũng Silicon, nhưng SVB nằm trong số 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ, với tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD vào cuối năm ngoái, theo Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC).

Hiện tại, SVB được đặt dưới sự kiểm soát của Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ sau khi ngân hàng này không thể trả lại tiền cho những khách hàng muốn rút tiền gửi.

Vì sao SVB sụp đổ?

Cục Dự trữ Liên bang (FED - tức Ngân hàng Trung ương Mỹ) bắt đầu tăng lãi suất một năm trước để kiềm chế lạm phát. Điều này khiến chi phí đi vay cao hơn, dẫn đến làm giảm đà tăng của các cổ phiếu công nghệ vốn mang lại lợi ích cho SVB.

Chú thích ảnh
Trụ sở Ngân hàng SVB bị đóng cửa. Ảnh: TechCrunch

Lãi suất cao hơn cũng làm xói mòn giá trị của trái phiếu dài hạn mà SVB và các ngân hàng khác đã thu vào rất nhiều trong thời kỳ lãi suất cực thấp, gần như bằng không ở Mỹ.

Danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỷ USD của SVB có lợi tức trung bình là 1,79%. Nhưng lợi suất trái phiếu kho bạc tính theo 10 năm hiện tại là khoảng 3,9%.

Cùng lúc đó, vốn đầu tư mạo hiểm bắt đầu cạn kiệt, buộc các công ty khởi nghiệp phải rút vốn do SVB nắm giữ.

Tất cả điều này khiến ngân hàng bị đè nặng bởi gánh nặng lỗ trái phiếu không bán được trong khi tốc độ rút tiền của khách hàng ngày càng tăng.

FDIC đã hành động nhanh chóng 

Các "bánh xe" bắt đầu nổ tung vào ngày 9/3, khi SVB thông báo họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để củng cố bảng cân đối kế toán.

Các nhà quản lý tại California đã nhanh chóng đóng cửa công ty cho vay công nghệ sáng 10/3. FDIC đóng vai trò là người tiếp nhận, điều này thường có nghĩa là họ sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng để trả lại cho khách hàng, bao gồm cả người gửi tiền và chủ nợ.

FDIC, một cơ quan độc lập của chính phủ có nhiệm vụ bảo hiểm tiền gửi ngân hàng và giám sát các tổ chức tài chính, cho biết tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có quyền truy cập đầy đủ vào tiền gửi được bảo hiểm của họ chậm nhất là vào sáng 13/3 (theo giờ địa phương). FDIC cũng sẽ trả cho những người gửi tiền không được bảo hiểm một khoản “cổ tức tạm ứng trong tuần tới”.

FDIC đã nhanh chóng tiếp quản SVB vào giữa buổi sáng 10/3, trong khi thông thường họ sẽ đợi cho đến khi thị trường đóng cửa.

Cơn hoảng loạn ban đầu

Cổ phiếu của ngân hàng SVB bắt đầu lao dốc vào sáng 9/3 và đến chiều, nó đã kéo cổ phiếu của các ngân hàng khác lao dốc theo khi các nhà đầu tư bắt đầu lo sợ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 sẽ lặp lại.

Đến sáng 10/3, giao dịch cổ phiếu SVB bị tạm dừng và ngân hàng đã từ bỏ nỗ lực huy động vốn nhanh chóng hoặc tìm người mua. Các cơ quan quản lý của tiểu bang California đã can thiệp, đóng cửa ngân hàng và đặt nó dưới sự quản lý của Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang.

Giám đốc điều hành của Better Markets, Dennis M. Kelleher, viết: “Tình trạng của SVB xấu đi nhanh chóng đến mức nó không thể kéo dài thêm 5 giờ nữa. Những người gửi đã rút tiền quá nhanh khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán và việc đóng cửa trong ngày là không thể tránh khỏi”.

Nỗi sợ hiệu ứng "lây lan" lắng xuống

Bất chấp sự hoảng loạn ban đầu ở Phố Wall, các nhà phân tích cho biết sự sụp đổ của SVB khó có thể gây ra hiệu ứng domino như hiệu ứng từng siết chặt ngành ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của tập đoàn Moody cho biết: “Hệ thống này được vốn hóa tốt và có tính thanh khoản tốt như trước đây. Các ngân hàng hiện đang gặp rắc rối quá nhỏ để có thể trở thành mối đe dọa có ý nghĩa đối với hệ thống rộng lớn hơn.”

Cơn hoảng loạn của khách hàng SVB cũng được trấn an sau thông báo của FDIC rằng, không muộn hơn sáng 13/3, tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có toàn quyền truy cập vào tiền gửi được bảo hiểm của họ. 

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Do đó, mặc dù khó có khả năng lây lan rộng hơn, nhưng các ngân hàng nhỏ hơn bị ràng buộc không cân xứng với các ngành thiếu tiền mặt như công nghệ và tiền điện tử có thể gặp khó khăn - theo ông Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda.

Chuyên gia Moya cho biết: “Mọi người ở Phố Wall đều biết rằng chiến dịch tăng lãi suất của FED cuối cùng sẽ phá vỡ điều gì đó, và ngay bây giờ nó đang hạ gục các ngân hàng nhỏ".

FDIC thường bán tài sản của một ngân hàng đổ vỡ cho các ngân hàng khác, sử dụng số tiền thu được để hoàn trả cho những người gửi tiền có tiền không được bảo hiểm. Vẫn có thể có người mua xuất hiện với SVB, mặc dù điều đó không được đảm bảo.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)
Khó có hiệu ứng domino từ cú sốc tạo ra bởi sự sụp đổ của ngân hàng SVB ở Mỹ
Khó có hiệu ứng domino từ cú sốc tạo ra bởi sự sụp đổ của ngân hàng SVB ở Mỹ

Trong 5 ngày có tới 3 ngân hàng ở Mỹ với tổng tài sản gần 340 tỷ USD đã sụp đổ, trong đó vấn đề của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã trở thành cú sốc trên thị trường tài chính phố Wall.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN