Vụ sụp đổ gây chấn động
Theo kênh CNN, các nhà quản lý California đã đóng cửa SVB và đặt ngân hàng này dưới sự kiểm soát của Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC). FDIC đang đóng vai trò là bên nhận, thường có nghĩa là FDIC sẽ thanh lý tài sản của ngân hàng SVB để trả lại cho khách hàng, trong đó có cả người gửi tiền và chủ nợ.
FDIC cho biết, tất cả những người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có quyền tiếp cận đầy đủ số tiền gửi chậm nhất là vào sáng 13/3. Với những người gửi tiền không được bảo hiểm, FDIC sẽ trả cho họ một khoản cổ tức tạm ứng trong tuần tới.
SVB bắt đầu sụp đổ khi ngân hàng này tuyên bố họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán cổ phiếu mới trị giá 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. Điều này đã gây ra hoảng loạn trong các công ty đầu tư mạo hiểm quan trọng và họ đã khuyên các công ty mà họ đầu tư rút tiền khỏi ngân hàng SVB.
Cổ phiếu của SVB giảm giá vào ngày 9/3, kéo theo giá cổ phiếu của các ngân hàng khác đi xuống theo. Đến sáng thứ 10/3, cổ phiếu của SVB đã bị tạm dừng giao dịch và SVB đã từ bỏ nỗ lực tăng vốn nhanh chóng hoặc tìm người mua. Một số cổ phiếu ngân hàng khác đã tạm thời ngừng giao dịch vào ngày 10/3, như First Republic, PacWest Bancorp và Signature Bank.
Thời điểm FDIC tiếp quản vào giữa buổi sáng là rất đáng chú ý, vì cơ quan này thường đợi cho đến khi thị trường đóng cửa mới can thiệp.
Giám đốc điều hành Better Markets, ông Dennis M. Kelleher, cho biết: “Tình trạng của SVB xấu đi nhanh chóng đến mức ngân hàng này không thể kéo dài thêm 5 giờ nữa. Đó là bởi vì những người gửi tiền ở SVB đã rút tiền quá nhanh khiến ngân hàng mất khả năng thanh toán và việc đóng cửa trong ngày là không thể tránh khỏi do bị rút tiền ồ ạt”.
Quá trình xuống dốc của SVB một phần bắt nguồn từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm qua.
Khi lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng đã tích trữ vào các trái phiếu Kho bạc dài hạn, dường như có rủi ro thấp. Nhưng khi FED tăng lãi suất để chống lạm phát, giá trị của những tài sản đó đã giảm xuống, khiến các ngân hàng phải chịu những khoản lỗ trên giấy tờ.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody cho biết, lãi suất cao hơn đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghệ, làm giảm giá trị của cổ phiếu công nghệ và khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn. Điều đó đã khiến nhiều công ty công nghệ rút tiền gửi mà họ có tại SVB để có tiền hoạt động.
Ông Zandi cho biết thêm: “Lãi suất cao hơn cũng làm giảm giá trị của trái phiếu kho bạc và các chứng khoán khác mà SVB cần để trả cho người gửi tiền. Tất cả những điều này đã khiến SVB cạn kiệt tiền gửi khiến FDIC phải tiếp quản”.
Ngày 10/3, Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo đã tìm cách trấn an công chúng về sức khỏe của hệ thống ngân hàng sau vụ sụp đổ đột ngột của SVB. Ông Adeyemo nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn độc quyền: “Các cơ quan quản lý liên bang đang chú ý đến tổ chức tài chính cụ thể này và khi chúng tôi nghĩ về hệ thống tài chính nói chung, chúng tôi rất tin tưởng vào năng lực và khả năng phục hồi của hệ thống”.
Các bình luận trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen triệu tập một cuộc họp đột xuất của các cơ quan quản lý tài chính để thảo luận về vụ sụp đổ của SVB, một ngân hàng cho vay lớn của lĩnh vực công nghệ. Ông Adeyemo nói: “Chúng tôi có các công cụ cần thiết để đối phó với các sự cố như những gì đã xảy ra với SVB”. Ông Adeyemo cho biết các quan chức Mỹ đang tìm hiểu thêm thông tin về vụ sụp đổ của SVB. Tuy nhiên, ông Adeyemo từ chối dự báo tác động của vụ SVB đến nền kinh tế hoặc ngành công nghệ nói chung.
Vụ SVB có đáng lo như năm 2008?
Bất chấp sự hoảng loạn ban đầu ở Phố Wall về vụ SVB, khiến cổ phiếu nói chung sụt giảm, các nhà phân tích cho rằng vụ sụp đổ của ngân hàng này khó có thể gây ra hiệu ứng domino với ngành ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Ông Zandi nói: “Hệ thống hiện nay được vốn hóa tốt và có tính thanh khoản cao như trước đây. Các ngân hàng gặp rắc rối hiện nay quá nhỏ để có thể trở thành mối đe dọa đáng kể đối với hệ thống nói chung”.
Tuy nhiên, theo Ed Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, các ngân hàng nhỏ hơn có thể gặp khó khăn do bị ràng buộc không cân bằng với các ngành thiếu tiền mặt như công nghệ và tiền điện tử.
Ông Moya nói: “Mọi người ở Phố Wall đều biết rằng chiến dịch tăng lãi suất của FED cuối cùng sẽ làm vỡ điều gì đó và ngay bây giờ điều đó đang làm ảnh hưởng tới các ngân hàng nhỏ”.
Mặc dù không nổi tiếng bên ngoài Thung lũng Silicon, nhưng SVB nằm trong số 20 ngân hàng thương mại hàng đầu của Mỹ, có tổng tài sản trị giá 209 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Đây là công ty cho vay lớn nhất phá sản kể từ khi Washington Mutual sụp đổ vào năm 2008.
Ngân hàng này đã hợp tác với nhiều công ty chăm sóc sức khỏe và công nghệ ở Mỹ, nhiều công ty trong số đó đã rút tiền gửi ra khỏi ngân hàng này.
Ông Mike Mayo, nhà phân tích cấp cao của ngân hàng Wells Fargo, cho biết cuộc khủng hoảng tại SVB có thể là một tình huống khác biệt. Ông nói: “Khác như ngày và đêm so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ 15 năm trước. Khi đó, các ngân hàng đã chấp nhận rủi ro quá mức và mọi người nghĩ rằng mọi thứ đều ổn. Bây giờ mọi người đều lo lắng, nhưng bên dưới bề mặt, các ngân hàng đã kiên cường hơn so với trước đây”.