Theo CNBC, ông Becker đã bán 12.451 cổ phiếu vào ngày 27/2. Đây là động thái lần đầu tiên sau hơn một năm ông Becker bán cổ phần của công ty mẹ SVB Financial Group. Ông đã nộp kế hoạch để bán cổ phần vào ngày 26/1.
Vào ngày 10/3, SVB Silicon đã sụp đổ sau một tuần hỗn loạn bắt đầu từ một lá thư mà SVB gửi cho các cổ đông, nói rằng họ sẽ cố gắng huy động hơn 2 tỷ USD vốn sau khi thua lỗ. Thông báo này đã khiến giá cổ phiếu của SVB lao dốc, ngay cả khi ông Becker kêu gọi khách hàng giữ bình tĩnh.
Cả ông Becker và SVB đều không trả lời ngay lập tức các câu hỏi về việc bán cổ phần trên và liệu ông Becker có biết về kế hoạch huy động vốn của ngân hàng khi ông nộp kế hoạch bán cổ phiếu hay không. Hồ sơ cho thấy việc bán cổ phiếu trên được thực hiện thông qua một bên ủy thác mà ông Becker kiểm soát.
Kế hoạch giao dịch của ông Becker không có gì bất hợp pháp. Các kế hoạch kiểu này do Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) thiết lập vào năm 2000 để ngăn chặn khả năng giao dịch nội gián.
Kế hoạch nhằm tránh hành vi sai trái thông qua biện pháp chỉ cho các giám đốc điều hành bán cổ phiếu vào những ngày đã được xác định và thời điểm mà ông Becker bán có thể chỉ là ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng các kế hoạch bán cổ phần đã được sắp xếp trước kiểu trên có những sơ hở đáng kể, ví dụ như thiếu giai đoạn lắng dịu (cooling-off) bắt buộc.
Ông Dan Taylor, Giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cho biết: “Mặc dù vào ngày 26/1, ông Becker có thể không lường trước được việc ngân hàng sẽ bị rút tiền ồ ạt khi ông thông qua kế hoạch này, nhưng việc tăng vốn là rất quan trọng. Nếu họ đang thảo luận về việc tăng vốn vào thời điểm kế hoạch bán cổ phiếu được thông qua, thì điều đó rất có vấn đề”.
Vào tháng 12/2022, SEC đã chốt các quy tắc mới, theo đó yêu cầu “giai đoạn lắng dịu” kéo dài ít nhất là 90 ngày đối với hầu hết kế hoạch giao dịch của giám đốc điều hành, nghĩa là họ không thể thực hiện giao dịch theo lịch trình mới trong ba tháng sau khi nắm giữ.
Các giám đốc điều hành phải tuân thủ các quy tắc đó từ ngày 1/4.
Thông tin về động thái bán cổ phiếu của ông Becker xuất hiện sau khi SVB sụp đổ, bị Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) tiếp quản ngay giữa ngày mà không chờ tới hết ngày giao dịch.
SVB bắt đầu sụp đổ khi ngân hàng này tuyên bố họ đã bán lỗ một loạt chứng khoán và sẽ bán cổ phiếu mới trị giá 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. Điều này đã gây ra hoảng loạn trong các công ty đầu tư mạo hiểm quan trọng và họ đã khuyên các công ty mà họ đầu tư rút tiền khỏi ngân hàng SVB.
Cổ phiếu của SVB giảm giá vào ngày 9/3, kéo theo giá cổ phiếu của các ngân hàng khác đi xuống theo. Đến sáng thứ 10/3, cổ phiếu của SVB đã bị tạm dừng giao dịch và SVB đã từ bỏ nỗ lực tăng vốn nhanh chóng hoặc tìm người mua.
Thời điểm FDIC tiếp quản vào giữa buổi sáng là rất đáng chú ý, vì cơ quan này thường đợi cho đến khi thị trường đóng cửa mới can thiệp.
Ngày 10/3, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo đã tìm cách trấn an công chúng về sức khỏe của hệ thống ngân hàng sau vụ sụp đổ đột ngột của SVB. Ông Adeyemo nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn độc quyền: “Các cơ quan quản lý liên bang đang chú ý đến tổ chức tài chính cụ thể này và khi chúng tôi nghĩ về hệ thống tài chính nói chung, chúng tôi rất tin tưởng vào năng lực và khả năng phục hồi của hệ thống”.
Ông Adeyemo cho biết các quan chức Mỹ đang tìm hiểu thêm thông tin về vụ sụp đổ của SVB. Tuy nhiên, ông Adeyemo từ chối dự báo tác động của vụ SVB đến nền kinh tế hoặc ngành công nghệ nói chung.
Các bình luận trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen triệu tập một cuộc họp đột xuất của các cơ quan quản lý tài chính để thảo luận về vụ sụp đổ của SVB, một ngân hàng cho vay lớn của lĩnh vực công nghệ. Ông Adeyemo nói: “Chúng tôi có các công cụ cần thiết để đối phó với các sự cố như những gì đã xảy ra với SVB”.