Dần lộ diện nguồn thanh toán cho khách hàng gửi tiền tại hai ngân hàng Mỹ vừa phá sản

Số tiền trong quỹ bảo hiểm tiền (DIF) gửi đến từ phí bảo hiểm mà các ngân hàng chi trả cũng như tiền lãi từ các quỹ đầu tư vào trái phiếu và chứng khoán, nhưng chính DIF cũng có thể hết tiền hoặc gặp sự cố.

Chú thích ảnh
Người gửi tiền chờ đợi trước cửa ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở California, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Cuối tuần qua, Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Ngân hàng Signature sụp đổ. Chính phủ Mỹ đã ngay lập tức can thiệp để bảo vệ quyền lợi của những người gửi tiền tại hai ngân hàng này.

Nhưng không giống như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - khi Quốc hội Mỹ đã thông qua luật mới để cứu các ngân hàng lớn nhất của đất nước, kế hoạch giải cứu hiện tại có quy mô nhỏ hơn, chỉ liên quan đến hai ngân hàng và cho tới hiện tại, không phải dùng đến tiền đóng thuế bổ sung.

Để đảm bảo người gửi tiền vẫn có thể rút tiền từ tài khoản của họ - mà phần lớn trong số đó vượt quá giới hạn 250.000 USD cho bảo hiểm tiêu chuẩn từ Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) - các nhà quản lý cho biết họ đang rút tiền từ một quỹ đặc biệt do FDIC duy trì được gọi là Quỹ Bảo hiểm tiền gửi (DIF).

“Đối với hai ngân hàng được đưa vào diện quản lý, FDIC sẽ sử dụng tiền từ DIF để đảm bảo rằng tất cả người gửi tiền của họ đều được an toàn” - một quan chức Bộ Tài chính nói với các phóng viên vào tối 13/3 (theo giờ địa phương) - “Trong trường hợp đó, DIF sẽ chịu rủi ro. Đây không phải là tiền từ người nộp thuế.”

Tiền đến từ đâu?

Số tiền trong DIF đến từ phí bảo hiểm mà các ngân hàng phải trả cũng như tiền lãi kiếm được từ các quỹ đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ, các loại chứng khoán và nghĩa vụ khác.

Chú thích ảnh
Sau SVB, ngân hàng Signature cũng sụp đổ và là ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ phá sản. Ảnh: Getty Images

Đây là lý do tại sao một số nhà quan sát đã nói rằng thuật ngữ “cứu trợ” không nên được sử dụng để chỉ sự can thiệp hiện tại của chính phủ Mỹ - bởi vì đó là tiền của chính ngân hàng cộng với tiền lãi được sử dụng để bảo hiểm cho người gửi tiền, và nó chỉ được quản lý bởi chính phủ liên bang.

Nhưng đứng đằng sau DIF là “sự tín nhiệm hoàn toàn của chính phủ Mỹ”, theo FDIC, nghĩa là nếu DIF hết tiền hoặc gặp sự cố, Bộ Tài chính có thể dùng đến tiền của người nộp thuế như một phương án tiếp theo.

Đây không phải là điều không thể. DIF có số dư 125 tỷ USD tính đến quý cuối cùng của năm 2022 và SVB đã báo cáo tài sản trị giá 212 tỷ USD trong cùng quý đó. Tuy vậy hiện tại, các quan chức Bộ Tài chính có vẻ tự tin rằng số tiền trong DIF sẽ dư sức chi trả cho các khoản tiền gửi của SVB.

FED nhảy vào hỗ trợ

Để giải quyết những lo ngại về khả năng quỹ DIF thiếu hụt, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã công bố một hạn mức tín dụng bổ sung được gọi là Chương trình Tài trợ Kỳ hạn Ngân hàng, cung cấp các khoản vay lên đến một năm cho các ngân hàng, công đoàn tín dụng và các loại tổ chức lưu ký khác. Đối với tài sản thế chấp, FED sẽ lấy trái phiếu và chứng khoán được thế chấp của Mỹ, và hạn mức tín dụng sẽ được hỗ trợ bởi 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn trao đổi trị giá 38 tỷ USD của Bộ Tài chính.

“Cả hai bước đi này đều có khả năng làm tăng niềm tin của những người gửi tiền, mặc dù không đạt được sự đảm bảo của FDIC đối với các tài khoản không có bảo hiểm như đã được thực hiện vào năm 2008", các nhà phân tích của Goldman Sachs đã viết trong một lưu ý cho các nhà đầu tư vào ngày 12/3.

“Đạo luật Dodd-Frank hạn chế thẩm quyền của FDIC trong việc cung cấp bảo lãnh (tiền gửi) bằng cách yêu cầu Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn chung, điều này chỉ dễ dàng hơn một chút so với việc thông qua luật mới. Với các hành động được công bố ngày hôm nay, chúng tôi không nghĩ rằng các hành động ngắn hạn tại Quốc hội sẽ mang lại sự đảm bảo", Goldman Sachs lưu ý.

Mặc dù thực tế là không có luật mới nào được đưa ra để đối phó với những vụ sụp đổ ngân hàng vừa qua, nhưng nhiều nhà phân tích đang kêu gọi sự chú ý đến việc tiền thuế của người dân vẫn bị đặt vào tình thế rủi ro như thế nào.

“Tôi coi đây là một gói cứu trợ”, nhà kinh tế học Dean Baker thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Kinh tế, một tổ chức nghiên cứu cánh tả, phát biểu với tờ The Hill.

Các nhà phân tích khác thì nhấn mạnh rằng mức độ lây lan kiểu domino vẫn chưa được biết và sẽ cần thời gian để xem liệu phản ứng của FED có phù hợp với mục đích hay không.

“Trong năm ngày qua, hệ thống ngân hàng Mỹ đã có dấu hiệu rạn nứt với sự sụp đổ của SVB... Phạm vi của hậu quả vẫn chưa hoàn toàn được xác định", chuyên gia Connor Combs tại công ty tư vấn tài chính Combs Capital Partners viết trong một lưu ý cho các nhà đầu tư vào ngày 13/3.

“Hôm 6/3, Chủ tịch FED Jerome Powell vừa điều trần trước Quốc hội. Khi được hỏi liệu ông có thấy bất kỳ rủi ro hệ thống nào trong hệ thống ngân hàng không, ông ấy trả lời: ‘Không’. Rồi sau đó ngay ngày 8/3, chúng ta bắt đầu thấy vấn đề từ SVB", chuyên gia Combs viết.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo The Hill)
Cơn địa chấn của ngành ngân hàng Mỹ
Cơn địa chấn của ngành ngân hàng Mỹ

Chỉ trong vòng ba ngày, hai ngân hàng lớn của nước này là Silicon Valley Bank (Ngân hàng Thung lũng Silicon - SVB) và Signature Bank (SB) lần lượt sụp đổ và tuyên bố ngừng hoạt động. Đặc biệt, việc một “đế chế” như SVB phá sản đang phủ bóng mây u ám lên thị trường tài chính của nền kinh tế số 1 thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN