Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 61% trong tháng 3, tăng so với mức 54% trong tháng 2 và là mức cao nhất tính từ thời điểm tháng 3/2002. Giá lương thực, thực phẩm, vốn chiếm 25% trong rổ lạm hàng hóa tính lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ, đã tăng 70% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhiên liệu tăng 103% và chi phí vận tải, đi lại tăng 99% khi giá hàng hóa quốc tế tăng vọt sau sự kiện Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bình luận về con số lạm phát chính thức được công bố trong ngày 4/4 này, Bộ trưởng Tài chính Nureddin Nebati cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã phải trải qua “giai đoạn rất đặc biệt”, trong đó hai năm phải đối mặt với đại dịch COVID-19 và tiếp sau đó là xung đột tại Ukraine.
Phe đối lập cho rằng con số lạm phát trên thực tế thậm chí còn cao hơn số liệu chính thức. Ali Babacan, cựu Bộ trưởng Kinh tế và hiện là thủ lĩnh một đảng đối lập mô tả giá cả đang tăng “vượt tầm kiểm soát”. Còn theo nghị sĩ Veli Agbaba thuộc đảng Nhân dân Cộng hòa đối lập, Thổ Nhĩ Kỳ đang bước vào chu kỳ “siêu lạm phát”, một khái niệm thường dùng để mô tả lạm phát hàng tháng trên 50% và kéo dài trong nhiều tháng liên tục.
Lạm phát là vấn nạn mà đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Tổng thống Erdogan phải đối mặt kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo gần 20 năm trước. Cuối năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định cắt giảm mạnh 5% lãi suất, khi ông Erdogan yêu cầu giới hoạch định chính sách ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng bất chấp giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước tăng cao.