Giá hàng hóa toàn cầu tăng vọt 50%, mức cao nhất trong gần 30 năm

Giá dầu thô, kim loại ngũ cốc và các loại hàng hóa trao đổi quốc tế khác đang có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1995, gây ra lo ngại bất ổn chính trị ở một số nước lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu bên ngoài.

Chú thích ảnh
Giá nhiên liệu tăng cao đang gây hiệu ứng lan tỏa sang các hàng hóa khác như nhôm, lúa gạo. Ảnh: AP

Các thị trường hàng hóa hiện chịu sức ép từ hai phía. Trước hết, đó là nhu cầu tiêu thụ bùng nổ khi các nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục từ đại dịch COVID-19. Mặt khác, lại xuất hiện những nhân tố cản trở nguồn cung dồi dào để đáp nhu cầu này, nổi bật là những căng thẳng địa chính trị.

Chỉ số hàng hóa thị trường chủ chốt CRB, bộ chỉ số tổng hợp chuyên đo lường giá cả hàng hóa, tăng 46% tại thời điểm cuối tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn nhất tính theo năm kể từ năm 1995 – mốc thời gian bộ chỉ số này lần đầu tiên đi vào hoạt động.

Một loạt mặt hàng ghi nhận mức tăng giá mạnh, nhất là giá dầu thô và các nguồn nguyên liệu khác. Trong 22 loại hàng hóa chủ chốt, có 9 mặt hàng tăng trên 50%, đáng chú ý là cafe tăng tới 91%, cotton tăng 58%, nhôm tăng 53%.

Nhu cầu tiêu thụ dầu thô bùng nổ. Nhưng đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác suy yếu, do các nền kinh tế bắt đầu chuyển hướng sang trung hòa carbon, có kế hoạch giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Giá khí đốt tăng nhanh do những căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong vấn đề Ukraine. Đứt gãy chuỗi cung cùng với thiếu hụt nguồn nhân công do đại dịch COVID-19 cũng gây thêm sức ép cho cân bằng cung-cầu.

Giá hàng hóa neo ở mức cao đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu giá nhiên liệu vẫn duy trì ở ngưỡng hiện nay, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,5% trong năm 2022. Những nước nghèo tài nguyên thiên nhiên sẽ chịu thiệt hại lớn nhất từ giá hàng hóa leo thang. Đơn cử như tại Nhật Bản: Chi phí cho nhập khẩu nguyên liệu, nhiên liệu thô trong tài khóa này, kết thúc vào tháng 3/2022, dự kiến tăng thêm khoảng 10.000 tỉ yên (86,7 tỉ USD).

Mỹ và nhiều nước đang đẩy nhanh tiến độ thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. “Nhưng rất khó để kiềm chế lạm phát mà nguyên nhân khởi nguồn là những cú sốc về phía cung bằng chính sách tiền tệ”, Hiroshi Ugai, chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán JPMorgan tại Nhật Bản, nhận định.

Tác động của giá hàng hóa leo thang đối với bất ổn chính trị đang dần trở thành mối quan ngại lớn với nhiều nước. Thổ Nhĩ Kỳ, nước phải nhập khẩu tới 70% năng lượng từ bên ngoài, vừa phải ghi nhận mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 49% trong tháng 1. Kể từ đầu tháng này, tại Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện làn sóng biểu tình của nhân công, đòi yêu sách tăng lương, thu nhập, phản đối giá nhiên liệu tăng vọt.

Trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ tự trị trên thế giới, có 47 nước phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu từ bên ngoài ở ngưỡng trên 50% nhu cầu tiêu thụ trong nước – theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Kazakhstan là trường hợp mới nhất vừa trải qua các đợt biểu tình bạo động, mà một phần nguyên nhân là phản ứng của dân chúng đối với giá nhiên liệu.

Giá hàng hóa tăng cũng đẩy giá lương thực, thực phẩm tăng theo. Tại Thái Lan, giá thịt lợn đã tăng 50% chỉ trong vòng ba tháng trở lại đây. Thịt lợn, mặt hàng thịt được tiêu thụ nhiều nhất tại Thái Lan, tăng giá là do giá đậu tương, ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi tăng vọt.

Quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên Indonesia đã áp dụng quy định hạn chế xuất khẩu hàng hóa, nhiên liệu, đầu tiên là than đá, kế đến là dầu cọ - mặt hàng được sử dụng nhiều trong sản phẩm thực phẩm và tiêu dùng. “Chủ nghĩa quốc gia tài nguyên” – khái niệm dùng để chỉ việc một nước hướng ưu tiên trong sử dụng nguồn tài nguyên cho kinh tế trong nước, đang nổi lên là một nguyên nhân nữa khiến hàng hóa toàn cầu chịu thêm sức ép tăng giá.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Nikkei Asia)
Thịt lợn tăng mạnh dịp sát Tết, người Thái Lan đổi bữa sang cá sấu
Thịt lợn tăng mạnh dịp sát Tết, người Thái Lan đổi bữa sang cá sấu

Do giá thịt lợn tăng vọt dịp sát Tết Nguyên đán, nhiều người dân ở Thái Lan đang chuyển sang một loại thịt trắng khác: cá sấu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN