Lạm phát ở Anh đã chạm mức cao nhất kể từ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, với giá hàng may mặc, nhiên liệu và dầu mỏ bật tăng trong bối cảnh nền kinh tế nước này mở cửa trở lại.
Trong thông báo ra ngày 16/6, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 5 đã tăng mạnh lên 2,1%, cao hơn 0,6% so với tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7/2019, chỉ số này phá vỡ mục tiêu 2,0% mà Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đề ra.
Ông Grant Fitzner, nhà kinh tế trưởng của ONS, khẳng định mức tăng của chỉ số lạm phát trong tháng 5 chủ yếu do giá nhiên liệu tăng trong năm 2021 nhờ giá dầu thô phục hồi. Bên cạnh đó, giá mặt hàng may mặc cũng làm tăng áp lực đối với lạm phát khi lượng chiết khấu giảm.
Thông tin về lạm phát của Anh tăng mạnh đã khiến thị trường bất ngờ bởi các nhà phân tích dự báo mức tăng này chỉ là 1,8%. Bên cạnh đó, dữ liệu này còn làm dấy lên quan ngại lạm phát toàn cầu có thể tăng vọt khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Ông Ulas Akincilar, người đứng đầu bộ phận giao dịch của Infinox, nhận định “việc nới lỏng các hạn chế phong tỏa và tăng trưởng trở lại là liều thuốc cần thiết cho nền kinh tế Anh bị đại dịch tàn phá. Nhưng rõ ràng liề thuốc này cũng gây ra tác dụng phụ, khiến lạm phát nghiêm trọng hơn”.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nới lỏng các hạn chế nhằm phòng chống COVID-19 kể từ tháng 3 vừa qua. Để nền kinh tế có thể hồi phục thêm sau "cú sốc" đại dịch COVID-19, sau đó 1 tháng, Anh đã mở cửa trở lại một số dịch vụ không thiết yếu, trong đó có quán bar, nhà hàng. Tuy nhiên, trong tuần này, Anh đã buộc phải hoãn việc mở cửa lại hoàn toàn do số ca nhiễm mới gia tăng, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta. Như vậy, thời điểm Anh dự kiến mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế là ngày 19/7, thay vì ngày 21/6 như dự kiến ban đầu.
Dữ liệu tuần trước cho thấy trong tháng 4 vừa qua, kinh tế Anh đã tăng trưởng 2,3% - mức tăng trưởng hằng tháng nhanh nhất kể từ tháng 7/2020 nhờ việc nới lỏng các hạn chế dịch bệnh. Tổng sản lượng kinh tế của nước này trong quý I/2021 giảm 1,5%, dù bắt đầu phục hồi mạnh mẽ vào tháng 3, với mức tăng trưởng 2,1%.