Lạ lùng quốc gia châu Âu ra đời từ một trò đùa

Từ chỗ chỉ là một trò đùa trong ngày Cá tháng Tư, một trong những nước cộng hòa nhỏ nhất thế giới đã ra đời ngay giữa châu Âu, với chính phủ, hiến pháp và đồng tiền riêng.

Chú thích ảnh
Tấm biển Cộng hòa Užupio trước cây cầu dẫn vào quốc gia tự xưng. Ảnh: Norwegian

Người dân địa phương nói rằng nếu bạn nhìn chằm chằm vào mắt của Nàng Tiên cá Užupis khi băng qua chiếc cầu đi vào nước Cộng hòa Užupis tự xưng nhỏ xíu nằm bên trong thủ đô Vilnius của nước láng giềng Litva, bạn sẽ không bao giờ muốn rời xa nơi này.

Được nhà điêu khắc Romas Vilčiauskas chế tác vào năm 2002, bức tượng bằng đồng này chào đón du khách đến với nước cộng hòa bé nhỏ.

Ra đời đúng ngày Cá tháng Tư

Theo BBC, nằm bên trong thủ đô Vilnius của Litva, Užupis là một trong những nước cộng hòa nhỏ nhất trên thế giới, với diện tích chưa đầy 1 cây số vuông.

Nhưng đừng để số đo diện tích đó đánh lừa - ở đây có tổng thống, hiến pháp và tiền tệ riêng, thậm chí còn có hải quân bao gồm ba hay bốn chiếc tàu nhỏ, chủ yếu sử dụng cho mục đích nghi lễ. Cho đến gần đây, Užupis còn có quân đội gồm khoảng… 10 người nhưng do quốc gia này theo đường lối yêu hòa bình, nên đội quân đã được cho nghỉ hưu. 

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào đầu thập niên 1990, nhiều chân đế từng là nơi đặt những bức tượng biểu tượng Xô-viết bị bỏ trống trên khắp Vilnius. Vào năm 1995, một nhóm các nghệ sỹ địa phương đã dùng một trong những chân đế này để dựng bức tượng của biểu tượng nhạc rock Mỹ Frank Zappa  như biểu tượng của tự do và dân chủ. Hai năm sau, vào tháng 4/1997, họ tiến thêm một bước nữa là tuyên bố khu vực Užupis độc lập khỏi phần còn lại của Litva.

Mặc dù Užupis không được các chính phủ nước ngoài công nhận là quốc gia chính thức, nhưng đất nước nhỏ xíu này đã trở thành niềm tự hào ở Vilnius và trên khắp Litva. Theo tiếng Litva, Užupis có nghĩa là 'bên ngoài con sông', nơi đây được ngăn cách khỏi phần còn lại của thành phố bởi sông Vilnele.

Hằng năm, nước cộng hòa tự xưng này kỷ niệm ngày độc lập của mình vào 1/4, đúng ngày Cá tháng Tư, vốn được người dân địa phương gọi là Ngày Užupis. Vào ngày này, du khách có thể được đóng dấu hộ chiếu khi họ băng qua cầu tiến vào đất nước (còn vào những ngày còn lại, đường biên giới không được canh gác), họ sử dụng đồng tiền địa phương (không chính thức) và thưởng thức dòng bia chảy ra từ vòi phun nước ở quảng trường chính.

Chú thích ảnh
Cây cầu nhỏ dẫn vào Užupis. Ảnh: Alamy

Từ một ý tưởng nói chơi trong ngày Cá Tháng Tư của một nhóm nhỏ những người sáng lập giờ đây đã trở thành một sứ mạng nghiêm túc.

Ngày nay, Cộng hòa Užupis có một bản hiến pháp đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Ngoại trưởng Užupis, ông Tomas Čepaitis, một trong những nhà lập quốc của quốc gia tí hon này, giải thích rằng nước cộng hòa này ra đời dựa trên triết lý của triết gia cổ đại Aristotle rằng bất kỳ thành phố vĩ đại nào cũng nên có số dân hạn chế. "Chúng tôi muốn tạo ra một đất nước mới nhỏ bé dựa trên suy nghĩ cổ xưa rằng một đất nước tốt đẹp không thể có quá 5.000 dân bởi vì đầu óc con người không thể nhớ nhiều khuôn mặt hơn số đó", ông nói. "Ai cũng biết mọi người khác, do đó người dân sẽ khó mà lừa gạt hay thao túng lẫn nhau."

Quốc kỳ của Užupis vẽ một hình ảnh được gọi là 'Bàn tay thiêng': một bàn tay với một cái lỗ ở giữa nên không thể nhận hối lộ được.

"Điều quan trọng là chúng tôi không có gì để che giấu trong đôi tay," Bộ trưởng Du lịch Užupis, ông Kestas Lukoskinas, đã sống ở Užupis được 18 năm, nói.

Chú thích ảnh
Hình ảnh "bàn tay thiêng" trên một bức tường ở Užupis. Ảnh: BBC

Ngoại trưởng Čepaitis cho biết ông và những người đồng lập quốc muốn tạo ra một đất nước mà mọi người có thể tách rời khỏi những sự xao lãng của đời sống hiện đại và tái kết nối với nhau.

"Nếu bạn băng qua cầu, bạn có thể trở thành chính mình. Bạn không còn đóng một vai trò xã hội nào nữa. Bạn không thuộc về bất cứ ai... Bạn cảm thấy hạnh phúc và thoải mái hơn. Bạn có thể bước vào quán rượu, gặp thị trưởng thành phố, hay một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng, một nghệ sỹ nổi tiếng, trong khi mọi người đang thư giãn. Còn ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới mà bạn đến, các quán rượu hay nhà hàng sang trọng đều có những hạn chế, những quy tắc hoàn toàn không có ở Užupis”, ông Čepaitis tự hào.

Hiến pháp lập dị

Trong khi câu chuyện về sự khai sinh ra đất nước Užupis khá nhẹ nhàng, thì lịch sử của nó lại không như vậy.

Vào giữa thế kỷ 20 khi vùng đất này còn thuộc Liên Xô, đó là một nơi điêu tàn, một khu vực nguy hiểm trong thành phố chỉ dành cho những người can đảm hoặc kẻ mất trí.

Một trong những con đường chính ở đây, Đường Užupis, một thời có biệt danh là 'Con đường Tử thần', không chỉ là do tỷ lệ tội phạm cao mà còn là để tưởng nhớ cộng đồng Do Thái trong khu vực bị tàn sát trong thảm họa diệt chủng thời phát xít. .

Chú thích ảnh
Quảng trường trung tâm Užupis. Ảnh: BBC

Ngay khi nơi này giành được độc lập vào năm 1997, bản hiến pháp mau chóng ra đời. Văn kiện này được ông Čepaitis và ông Romas Lileikis, Tổng thống Užupis, chấp bút chỉ trong vòng có ba tiếng đồng hồ vào một buổi trưa hè năm 1998.

"Chúng tôi vừa mới tuyên bố khai sinh một nền cộng hòa, và lúc đó ông ấy (Lileikis) ghé qua chỗ tôi bởi vì ông ấy không có nước nóng. Đó là lý do tại sao có một điều khoản về nước nóng”, Ngoại trưởng Čepaitis cho biết, ám chỉ Điều 2 của Hiến pháp, vốn cho rằng tất cả mọi người đều có quyền có nước nóng, được sưởi ấm trong mùa đông và mái lợp ngói.

Tổng số 41 điều của bản hiến pháp cô đọng lại những tinh túy của lý tưởng Užupis, bao gồm tự do tư tưởng, với những điểm như "Ai cũng có quyền được chết, nhưng đây không phải là điều bắt buộc'" và "Ai cũng có quyền hiểu", cũng như điều khoản "Ai cũng có quyền không hiểu gì hết".

Thậm chí thú nuôi cũng được đề cập trong hiến pháp, với điều khoản như "chó có quyền được là chó" và "mèo không bắt buộc phải yêu thương chủ nhưng phải giúp đỡ những khi cần thiết".

"Tôi viết về mèo bởi vì tôi là người nuôi mèo, còn Lileikis viết về chó vì ông ấy là người nuôi chó”, ông Ngoại trưởng Čepaitis giải thích.

Chú thích ảnh
Những con đường thanh bình ở Užupis. Ảnh: BBC

Nền chính trị xuề xòa

Bản Hiến pháp, được in trên những tấm bảng chữ nhật lớn treo dọc theo con đường mà cư dân địa phương gọi là Đại lộ Hiến pháp. Có trên 30 tấm bảng kim loại này được treo dọc trên tường, trong đó bảng tiếng Latin là ngôn ngữ mới nhất được bổ sung - nó được chính Giáo hoàng Francis ban phước khi Ngài đến thăm các nước vùng Baltic hồi tháng 9/2018.

Cũng giống như đa số những thứ khác ở Užupis, cấu trúc chính quyền và việc bổ nhiệm quan chức cũng rất thoải mái. Tòa nhà nghị viện vừa là một quán nước vừa là quán rượu. Một nhóm nòng cốt gồm khoảng một chục vị bộ trưởng giám sát sự vận hành của quốc gia tí hon này.

Mặc dù nghe có vẻ kỳ quặc, hệ thống chính quyền ở Užupis hoạt động tốt trong suốt 21 năm qua. Trong toàn bộ thời gian đó, tổng thống vẫn nắm quyền, mặc dù có lúc Lileikis nói đùa rằng ông muốn nghỉ ngơi. Nội các họp vào hầu hết các ngày thứ Hai. Họ cũng tích cực xây dựng mối quan hệ với các nước khác cho dù là không chính thức.

Cộng hòa Užupis đã thu hút sự quan tâm của du khách kể từ năm 1997. Kết quả đáng mừng kể từ đó là quốc gia này đã phát triển mạnh hơn và nâng tầm vị thế cao hơn, khiến giá nhà đất ở đây tăng vọt.

"Hiện tại nơi đây là khu vực đắt đỏ thứ hai ở Vilnius, sau khu Phố Cổ. Không nghệ sỹ nào có thể mua một căn hộ vào lúc này - anh ta cần phải giàu có và nổi tiếng", Bộ trưởng Du lịch Lukoskinas nói.

Điều này đã khiến một số bộ trưởng quan ngại. Họ lo sẽ đánh mất nền văn hóa và lối sống bản địa khi số lượng du khách tăng lên và dân số ngày một đông. Tuy nhiên, ông Čepaitis lại hy vọng rằng điều này sẽ giúp các lý tưởng của Užupis được lan tỏa rộng rãi hơn nữa.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thụy Sĩ, quốc gia đúng giờ đến mức ‘khó chịu’
Thụy Sĩ, quốc gia đúng giờ đến mức ‘khó chịu’

Nhiều quốc gia gắn với những định kiến nhất định và với người Thụy Sĩ thì “đúng giờ” là một tiêu chuẩn đạo đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN