Kỳ tích vàng của nền thể thao Cuba

Hơn nửa thế kỷ qua, có thể nói công trình kỳ vĩ nhất mà Cách mạng Cuba xây dựng nên chính là “con người cách mạng mới”. Bằng những thành tích vô cùng ấn tượng, con người Cuba, đất nước Cuba đã khẳng định vị thế một cường quốc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thể thao.

Chú thích ảnh
Các vận động viên Cuba tại Olympic Rio 2016. Ảnh: Los Angeles Times

Cuba – Cường quốc thể thao thế giới

Không chỉ nổi tiếng là một cường quốc y tế, Cuba còn là một cường quốc thể thao thế giới. Điều này một lần nữa được khẳng định qua bảng vàng thành tích của Đoàn thể thao Cuba tại Thế vận hội mùa Hè Tokyo 2020 (Olympic Tokyo 2020) đang diễn ra ở Nhật Bản. Các vận động viên Cuba đã giành tổng cộng 14 huy chương (bao gồm 6 HCV, 3 HCB và 5 HCĐ), xếp thứ 16 toàn đoàn.

Nhìn lại lịch sử, thành tích của thể thao Cuba quả thật là điều thần kỳ và phi thường, nhất là khi đặt trong bối cảnh đảo quốc Caribe này đã khó khăn như thế nào vì chính sách bao vây-cấm vận mà Mỹ áp đặt suốt hơn 50 năm qua. Thể thao Cuba tham dự Thế vận hội lần đầu tiên vào năm 1900 và có vận động viên tranh tài tại 22 trên tổng số 28 kỳ Olympic trong lịch sử.

Chú thích ảnh
Hai VĐV Fernando Dayan Jorge Enriquez và Serguey Torres Madrigal (phía trước) vui mừng sau khi giành huy chương Vàng ở nội dung canoe đôi nam 1.000m, đồng thời thiết lập kỷ lục Olympic mới, tại Olympic Tokyo 2020 sáng 3/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tới nay, Cuba đã giành tổng cộng 239 huy chương các loại (gồm 83 HCV, 71 HCB và 85 HCĐ). “Đảo quốc tự do” đứng thứ ba tại châu Mỹ về tổng số HCV Thế vận hội (chỉ sau Mỹ và Canada) và sở hữu tổng số huy chương Olympic nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác tại Mỹ Latinh và Caribe.

Đặc biệt, Cuba rất mạnh ở các môn thể thao Olympic vốn đòi hỏi trình độ tầm thế giới, như điền kinh (tổng cộng 11 HCV qua các kỳ Thế vận hội), Boxing (37 HCV), Đấu vật (9 HCV), Judo (6 HCV) hay Bóng chuyền (3 HCV)… Nền thể thao Cuba thành công vang dội kể từ sau Cách mạng (1959). Từ năm 1964 đến nay, đảo quốc Caribe này đã giành thêm hơn 200 chiếc huy chương Olympic, trong đó có đến 78 HCV.

Chú thích ảnh
Vận động viên nhảy cao huyền thoại người Cuba Javier Sotomayor, kỷ lục gia Olympic hiện nay của thế giới với mức xà 2m45. Ảnh: Pinterest

Nhiều vận động viên Cuba được vinh danh trong ngôi đền huyền thoại của thể thao thế giới. Đó là tượng đài sừng sững Javier Sotomayor, người duy nhất trong lịch sử vượt qua mức xà nhảy cao 2m45 - kỷ lục thế giới đứng vững từ năm 1993 đến nay. Đó là Alberto Juantorena, vận động viên duy nhất trong lịch sử từng đoạt HCV Olympic trong cả 2 cự ly chạy 400m và 800m nam, điều mà ngay cả “Tia chớp” Usain Bolt cũng phải mơ ước. Và Cuba có Regla Torres, người được Liên đoàn Bóng chuyền Thế giới (FIVB) vinh danh là “VĐV bóng chuyền số 1 thế giới trong thế kỷ 20”....

Sự vĩ đại của nền thể thao Cuba không chỉ dừng lại ở số lượng các tấm huy chương, mà còn thể hiện qua số lượng chuyên gia, huấn luyện viên (HLV) đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của thể thao thế giới. Nước này có trên 8.000 HLV, chuyên gia thể thao từng làm việc ở hơn 50 quốc gia, điều mà nhiều cường quốc thể thao cũng không làm được.

Không chỉ mạnh các môn thể thao Olympic, Cuba cũng để lại dấu ấn ở sân chơi World Cup. Cuba chính là quốc gia đầu tiên ở khu vực CONCACAF (Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribe) có đội tuyển tham dự một Vòng chung kết Bóng đá thế giới - World Cup năm 1938 tại Pháp. Tại giải năm đó, đội tuyển Cuba đã vào tới vòng Tứ kết.

Chú thích ảnh
Các VĐV Cuba ăn mừng chiến thắng trước Australia trong trận đấu bóng chày giành Huy chương vàng tại Olympic Athens 2004. Ảnh: Getty Image

Nền thể thao Cách mạng – Nền thể thao hướng tới nhân dân

Khó có thể liệt kê hết những thử thách mà nhân dân Cuba đã đối mặt trong hơn 50 năm qua, từ cuộc bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính, cho tới hàng loạt chính sách và chiến dịch âm thầm bòn rút chất xám và tài năng thể thao. Tuy nhiên, có lẽ cũng khó có thể thống kê hết những thành tựu đáng tự hào mà “hòn đảo mật, đảo say” này đã đạt được trên con đường xây dựng và tiến lên Chủ nghĩa Xã hội, với chính sách phát triển lấy con người làm trọng tâm. Thể thao chính là một điểm sáng thành công trong số này.

Thành công mang tính hệ thống của thể thao Cuba có được trước hết nhờ chính sách hợp lý và chiến lược phát triển sức khỏe toàn dân một cách đúng đắn mà Đảng và Chính phủ Cuba áp dụng kể từ khi Cách mạng thành công tới nay.

Chú thích ảnh
Võ sĩ Cuba Julio La Cruz vui mừng sau khi giành chiến thắng trước võ sĩ Nga Muslim Gadzhimagomedov ở chung kết nội dung boxing hạng nặng (89-91kg) của nam tại Olympic Tokyo 2020 diễn ra ở Nhật Bản, ngày 6/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Lãnh tụ huyền thoại Fidel Castro không chỉ là nhà Cách mạng kiệt xuất, mà ông còn là một lãnh đạo có tầm nhìn xa và hết lòng vì sức khỏe người dân. Minh chứng rõ nhất là chính sách đầu tư phát triển hệ thống y tế cộng đồng.

Các số liệu chỉ ra rằng, với chiến lược đầu tư bài bản và dài hạn, Cuba hiện sở hữu một hệ thống y tế toàn dân hàng đầu khu vực Mỹ Latinh và là một trong những nước có chính sách chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới. Năm 1976, chương trình chăm sóc sức khỏe quốc gia của Cuba được đưa vào Điều 50 của Hiến pháp, trong đó quy định “mọi người được quyền bảo vệ và chăm sóc sức khỏe miễn phí”. Đây chính là yếu tố giúp người dân Cuba, từ thế hệ này qua thế hệ khác, có được nền tảng thể chất-thể lực khỏe mạnh, yếu tố quan trọng hàng đầu đối với một vận động viên thể thao.

Chú thích ảnh
Một cậu bé Cuba chơi bóng chày trên đường phố. Ảnh: Alphauniverse.com

Ngay sau khi Cách mạng Cuba thành công năm 1959, Cuba đã áp dụng chính sách phát triển thể thao một cách sâu rộng, nhất là thể thao học đường, với nguồn đầu tư mạnh mẽ và hàng loạt chiến lược dài hạn được vạch ra. Tại Cuba, tất cả các trường tiểu học, trung học đều dạy giáo dục thể chất và thể thao là môn học bắt buộc. Theo ông Alberto Puig, quan chức cấp cao của bộ môn Boxing (Cuba), thành công của thể thao Cuba có được nhờ chính phủ luôn phát hiện kịp thời và bồi dưỡng các tài năng từ độ tuổi ngồi ghế nhà trường. Ông Alberto nói đầy tự hào: “Sức mạnh của chúng tôi đến từ trái tim và lòng yêu nước. Các vận động viên Cuba có thể không kiếm được 11 triệu USD, song họ có sự ủng hộ của 11 triệu người dân Cuba”. Bên cạnh đó, Cuba cũng là một trong những quốc gia áp dụng hiệu quả nhất tiến bộ khoa học-kỹ thuật và y học vào lĩnh vực thể thao.

“Trái ngọt” từ chiến lược thể thao đúng đắn này thể hiện rõ nét tại các kỳ Thế vận hội. Từ Olympic Munich 1972 tới nay, đoàn thể thao Cuba luôn thành công và giành được nhiều huy chương. Cuba xếp thứ 5 toàn đoàn về tổng số huy chương tại Olympic Barcelona 1992, trên cả nước chủ nhà Tây Ban Nha và lọt vào Top 10 trên bảng tổng sắp huy chương tại Olympic Sydney 2000.

Chú thích ảnh
Các nữ vận động viên Cuba chuẩn bị cho màn tranh tài ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty

Hơn nửa thế kỷ qua, có thể nói công trình kỳ vĩ nhất mà Cách mạng Cuba xây dựng nên chính là “con người cách mạng mới” mà Người du kích anh hùng Che Guevara lúc sinh thời hằng mong mỏi. Vượt qua muôn vàn khó khăn, bằng những thành tựu vượt ngoài sức tưởng tượng, Cuba đã “viết tên mình trên đời” với tư cách một cường quốc thể thao, với nhiều thế hệ vận động viên tên tuổi lẫy lừng.

Các vận động viên thể thao Cuba nói riêng, nhân dân Cuba nói chung, chắc chắn sẽ tiếp tục chinh phục trái tim của hàng triệu triệu con người tiến bộ trên thế giới, bởi đơn giản, Cuba là một dân tộc quật cường, một dân tộc đầy khát khao, một dân tộc chưa bao giờ e ngại mở cửa trái tim mình”, như lời ca khúc căng tràn nhựa sống đang thịnh hành khắp Mỹ Latinh: “Cuba es música vital” (Cuba - Bản nhạc sống).

Trần Thanh Tuấn/Báo Tin tức (TH, New York Times, CNN, Cubasi)
Olympic Tokyo 2020: Cuba khẳng định vị thế cường quốc quyền anh
Olympic Tokyo 2020: Cuba khẳng định vị thế cường quốc quyền anh

Trong trận chung kết quyền Anh chiều 4/8, võ sĩ Arlen Lopez của Cuba đã có chiến thắng thuyết phục trước đối thủ Ben Whittatker của Vương quốc Anh – lần đầu tham dự Olympic.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN