Chia sẻ với phóng viên TTXVN về sự kiện lịch sử trọng đại cách đây gần nửa thế kỷ, Tiến sĩ Chhang Youk, Giám đốc Trung tâm Tư liệu Campuchia (DC-Cam) cho rằng sự kiện 7/1 là ngày khởi đầu trang sử mới của đất nước Campuchia thời hiện đại do chính nhân dân Campuchia viết nên. Trong quyển sử mới đó, phần mở đầu trải dài trong khoảng 20 năm, từ 1979-1999, kết thúc ở thời điểm đất nước Campuchia có được nền hòa bình trọn vẹn vào ngày 29/12/1998, thành quả từ chính sách hợp tác cùng thắng của cựu Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen.
DC-Cam là tổ chức phi chính phủ có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép, lưu trữ những hình ảnh, tài liệu, hồ sơ liên quan chế độ Pol Pot nhằm mục đích tưởng niệm và vì công lý cho các nạn nhân. Trong những năm qua, DC-Cam có nhiều nỗ lực đóng góp vào công cuộc hòa giải dân tộc, hàn gắn vết thương tinh thần cho các nạn nhân sống sót từ thời kỳ diệt chủng ở Campuchia, kể cả các cựu binh của chế độ diệt chủng.
Đã trải qua thời tuổi trẻ gắn liền với phần mở đầu của lịch sử Campuchia đương đại, ông Chhang Youk cảm nhận về sự kiện 7/1 theo cách khá khác biệt. Ông hồi tưởng: “Vào một ngày nọ, bỗng dưng quân Pol Pot bỏ chạy khỏi phum sóc, người dân ngơ ngác không hiểu nguyên do gì. Họ chỉ nghĩ là quân Pol Pot đã bỏ đi hết, bèn bảo nhau lấy lúa gạo, gà vịt, kéo nhau về nhà theo đường quốc lộ. Đó là câu chuyện có thật về sự khởi đầu của một cuộc sống mới. Chúng tôi về nhà để gặp gỡ anh em, để đi tìm chồng, tìm vợ và con cái của mình, rồi bắt đầu nhìn thấy quân đội Mặt trận và quân đội Việt Nam trên đường”. Trong hồi ức của Giám đốc DC-Cam Chhang Youk, tất cả đều từ bàn tay trắng, từ một túi gạo, một mớ rau muống, họ khởi đầu một cuộc sống mới.
Ông nói: "Lúc bấy giờ chúng tôi không còn lịch sử. Đất nước Campuchia hoàn toàn dựa vào lịch sử năm 1979, chứ không phải gì khác. Từ năm 1979 đến năm 1999 là phần mở đầu, chúng tôi đã và đang viết tiếp chương 1 về Ngày hòa bình, khởi đầu từ ngày 29/12/1998”.
Ở góc độ một nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Chhang Youk cho rằng sự kiện 7/1 diễn ra vào thời điểm mang tính lịch sử. Bởi lẽ về tổng thể, đối với vấn nạn diệt chủng ở một quốc gia, đối với một dân tộc, không có bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể giúp chấm dứt họa diệt chủng, cần có giải pháp quân sự và nhất thiết phải có sự hiện diện của quân đội. Trong bối cảnh đó, ngày 7/1 được xem là thời điểm chính trị của an ninh khu vực, cần một phản ứng nhanh chóng, tức thời, khẩn cấp để cứu lấy sinh mệnh con người.
Cho rằng ở thời điểm đó, Việt Nam có khả năng giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ Pol Pot vì “chúng ta không thể chuyển quân từ châu Âu, châu Phi đến đây”, Tiến sĩ Chhang Youk nêu quan điểm: “Tôi nghĩ đó là thời khắc chính trị thuận lợi, cũng như của nỗ lực đấu tranh chung, vốn có từ thời Pháp thuộc, khi Việt Nam, Campuchia và Lào từng đoàn kết trong công cuộc đấu tranh giành độc lập. Chính mối quan hệ hữu nghị đó thúc đẩy Việt Nam tiếp tục giữ gìn tình đoàn kết, đã vào cuộc khi thấy Campuchia rơi vào họa diệt chủng ở thời điểm Pol Pot đến”.
Từ góc nhìn đó, Tiến sĩ Chhang Youk cho rằng quân đội Việt Nam đã đáp lại tình hữu nghị, yêu cầu an ninh khu vực, trong bối cảnh tác động của chiến tranh lạnh. Do đó, sự hiện diện của quân đội Việt Nam theo yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết cứu quốc Campuchia cho thấy có sự cân nhắc cẩn trọng và nhanh nhạy, phản ứng kịp thời, không trì hoãn.
Tiến sĩ Chhang Youk nhận định có lẽ vì từng trải qua chiến tranh kéo dài dai dẳng, từ thời Pháp đến thời Mỹ, Việt Nam hiểu bối cảnh chính trị đó nên đã phản ứng kịp thời ở thời điểm lịch sử cách đây gần nửa thế kỷ. Ông phân tích: “Nếu có sự chần chừ, do dự ở đây, tình hình sẽ không như hôm nay. Do vậy, có thể nói Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ của mình trong khu vực, đối với an ninh khu vực và an ninh quốc tế, cũng như đối với bạn bè lâu năm của mình. Đó là câu chuyện rõ ràng, khó tranh cãi”.
Từ nhận định đó, Tiến sĩ Chhang Youk cho rằng tất cả những chủ thể có mặt ở thời điểm đó, gồm quân đội Việt Nam, quân đội Mặt trận Đoàn kết cứu quốc Campuchia và nhân dân Campuchia đều là những con người vĩ đại. Họ đã nhập cuộc phản kháng, đáp trả một hành vi diệt chủng, để chấm dứt cảnh người dân Campuchia thiệt mạng từ ngày này qua ngày khác.
Từ góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu về nạn diệt chủng, sáng lập và điều hành DC-Cam gần 30 năm qua, Tiến sĩ Chhang Youk nhận định Chiến thắng Ngày 7/1 đánh dấu thành công của công cuộc lật đổ chế độ Pol Pot, một chế độ mà thế giới đã nói, đã viết trong suốt 45 năm qua rằng đã khiến đất nước Campuchia rơi xuống dưới con số 0. Đối với ông Chhang Youk, tuy vẫn còn những bất đồng, cách hiểu khác nhau về sự kiện 7/1 nhưng có một sự thật là vẫn còn 5 triệu người sống sót, được giải cứu. Họ là những nhân chứng sống, họ viết sử và tái thiết đất nước Campuchia.
Ông cho biết: “Đối với tôi, đó là ngày nhắc nhở chúng ta không thể lãng quên những con người đã khởi đầu trang sử mới để Campuchia lại có ngày hôm nay. Những con người kiến tạo, hồi sinh đất nước này vẫn còn sống, họ vẫn ở đây. Sự tồn tại của họ là câu chuyện có thật, không thể nào lãng quên, cải biên, thay đổi”.
Tái khẳng định quan điểm tôn vinh những người tham gia viết nên phần mở đầu của lịch sử Campuchia đương đại, Giám đốc DC-Cam Chhang Youk nhấn mạnh: “Chúng ta không được lãng quên lớp người đã tham gia kiến tạo đất nước từ điểm khởi đầu năm 1979, vì lịch sử đương đại của đất nước Campuchia bắt đầu từ sự kiện lịch sử 7/1/1979.”.