Sự việc khiến mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Kosovo và Serbia thêm phần trầm trọng, với các cáo buộc qua lại giữa hai bên.
Pristina gọi đây là một vụ tấn công khủng bố do Serbia tổ chức, trong khi Belgrade nhanh chóng phủ nhận và cho rằng cáo buộc này là “vô căn cứ”.
Ngay sau vụ nổ, cảnh sát Kosovo đã tiến hành một cuộc đột kích quy mô lớn tại khu vực phía Bắc vùng đất này. Theo nhà chức trách, họ thu giữ hơn 200 bộ quân phục, nhiều khẩu súng chống tăng, súng Kalashnikov cùng các phù hiệu của quân đội Serbia.
Người đứng đầu cơ quan nội vụ Kosovo, ông Xhelal Sveçla, gọi đây là cuộc tấn công nghiêm trọng nhất vào cơ sở hạ tầng quan trọng của vùng đất này kể từ khi xung đột kết thúc.
Cảnh sát cho biết khoảng 20 kg thuốc nổ được đặt trong một túi đen và kích hoạt bằng thiết bị điều khiển có dây tại khu vực Zubin Potok.
Ông Sveçla nhấn mạnh: “Đây không phải là một vụ tấn công ngẫu nhiên mà là hành động được tổ chức bài bản bởi một nhóm chuyên nghiệp, nhằm gây tổn thất lớn nhất cho Kosovo và người dân của chúng tôi”. Tám nghi phạm đã bị bắt giữ với cáo buộc lên kế hoạch và tổ chức vụ nổ.
Kosovo, một tỉnh ly khai của Serbia từ năm 2008, vẫn là một điểm nóng trong khu vực Balkans. Căng thẳng thường xuyên leo thang giữa hai bên, đặc biệt ở khu vực phía Bắc, nơi cộng đồng người Serbia chiếm đa số.
Năm ngoái, cũng tại khu vực xảy ra vụ nổ, một cuộc đụng độ vũ trang giữa các tay súng địa phương và cảnh sát Kosovo đã khiến một sĩ quan cảnh sát và ba tay súng thiệt mạng.
Kể từ đó, Kosovo đã tăng cường lực lượng cảnh sát tại khu vực này, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình từ cộng đồng người Serbia. Họ cho rằng các biện pháp của Pristina là quá mức cần thiết.
Lãnh đạo Kosovo Albin Kurti đã nhanh chóng chỉ trích Serbia: "Đây là một cuộc tấn công tội phạm và khủng bố nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi, được thực hiện bởi các băng nhóm do Serbia tổ chức và chỉ đạo".
Tuy nhiên, Serbia đã phủ nhận, gọi đây là “cáo buộc hấp tấp, thiếu bằng chứng”.
Hai bên đã tham gia vào các cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian trong hơn một thập kỷ, nhằm giải quyết những bất đồng trước khi có thể gia nhập khối. Tuy nhiên, tiến trình này đang đình trệ, phần lớn do mối quan hệ căng thẳng giữa ông Kurti và Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić.
Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) đồng tình với nhận định của Kosovo rằng đây là hành động khủng bố. "EU lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố xảy ra hôm 27/11 tại kênh dẫn nước Iber Lepenc/Ibar Lepenac ở phía Bắc Kosovo," EEAS tuyên bố, đồng thời cam kết hỗ trợ điều tra.
Nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn hoạt động như lực lượng quân đội thực tế của Kosovo từ sau cuộc xung đột 1998-1999, đã tăng cường hiện diện trong những tháng gần đây nhằm đối phó với nguy cơ leo thang. Đợt triển khai kéo dài 45 ngày của quân đội Anh mới đây cũng vừa kết thúc.
Vụ tấn công sẽ là một trong những vấn đề đầu tiên mà tân Đại diện cấp cao EU về an ninh và chính sách đối ngoại, bà Kaja Kallas, phải đối mặt khi bắt đầu nhiệm kỳ vào tuần tới. Với quan điểm mạnh mẽ, bà Kallas có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Serbia, làm gia tăng sự chú ý quốc tế vào tình hình Kosovo.
Vụ việc này không chỉ làm leo thang căng thẳng trong khu vực mà còn đặt ra thách thức lớn cho các nỗ lực ngoại giao của EU và NATO, khi hòa bình ở Balkans ngày càng trở nên mong manh.
Kể từ khi tuyên bố ly khai khỏi Serbia ngày 17/2/2008, sự thừa nhận quốc tế về Kosovo khác nhau và cộng đồng quốc tế tiếp tục bị chia rẽ về vấn đề này.
Serbia và Kosovo đã xung đột với nhau trong nhiều thập kỷ. Cuộc chiến tranh năm 1998-1999 giữa hai bên kết thúc sau chiến dịch ném bom 78 ngày của NATO khiến các lực lượng Serbia phải rút khỏi Kosovo, đã khiến khoảng 10.000 người thiệt mạng, chủ yếu là người dân tộc Albania ở Kosovo.
Cuộc đối thoại giữa Pristina và Belgrade do EU hỗ trợ, khởi đầu từ năm 2011 đến nay nhưng chỉ đạt được rất ít kết quả. Đến nay, Belgrade vẫn không công nhận tuyên bố độc lập của Kosovo. Nhiều nước trên thế giới hiện cũng không công nhận Kosovo là một quốc gia.