Một báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết các điều kiện kinh tế của Triều Tiên dường như đang trở nên tốt hơn nhờ một loạt các cải cách nông nghiệp và kinh tế mà nước này đang áp dụng, qua đó cho thấy chính sách "Pyongjin" - một chính sách phát triển kinh tế song hành với phát triển chương trình vũ khí hạt nhân - của Triều Tiên có thể đang có kết quả dù là ở quy mô hạn chế. Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích đăng báo cáo có đoạn viết: “Kể từ đầu năm 2015, nhiều báo cáo đã cho thấy đã có sự tăng trưởng kinh tế vừa phải ở Triều Tiên. Theo một số nguồn tin, một loạt cải cách kinh tế được công bố trong năm 2014 dường như đã nâng mức sống của một bộ phận người dân Triều Tiên. Các cải cách trên dường như là áp dụng các nguyên tắc thị trường vào một số lĩnh vực trong kinh doanh và nông nghiệp ở Triều Tiên và đã tạo ra nhiều cơ hội cho sự tăng trưởng kinh tế ở nước này”.
Bản báo cáo còn thể hiện rõ tại nhiều thành phố của Triều Tiên, các biện pháp như để cho người quản lý được đưa ra mức lương cho công nhân và quyết định thuê cũng như sa thải công nhân đã được phép áp dụng trong khi các cải cách nông nghiệp ở vùng nông thôn cho phép người nông dân được giữ lại phần thu hoạch thêm của họ.
Một lễ diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters |
Các nhà báo đã đưa tin về nhiều hoạt động thương mại và buôn bán nhộn nhịp dọc theo tuyến biên giới giữa Triều Tiên với Trung Quốc, trong đó có cả hàng chục cụm công nghiệp nằm trên lãnh thổ Trung Quốc thuê công nhân Triều Tiên làm việc, và nhiều công trình lớn xuất hiện trên phần đất của Triều Tiên.
Ngoài ra, bản báo cáo còn cho biết nhận định của một số chuyên gia: “Nhiều nhà kinh tế cho rằng các cải cách này còn khiêm tốn về quy mô và dễ bị đảo ngược nhưng cũng vẫn đủ để nâng nền kinh tế yếu ớt của Triều Tiên lên khỏi nền tảng thấp kém của mình”.
Trong một diễn biến khác, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo nước này Kim Jong Un vào lúc nửa đêm 26/7 đã tới viếng cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong Il tại Cung điện Mặt Trời nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên (27/7/1953 - 27/7/2015).
Bản tin của KCNA, được hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích đăng, cho biết cùng đi với ông Kim Jong Un còn có nhiều quan chức cao cấp của quân đội. Bản tin có đoạn viết: “Những người tham gia cam kết đạt được thống nhất dân tộc, một ước nguyện mà hai nhà lãnh đạo hằng mong muốn, bằng cách giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ”.
Ngày 26/7, tại hội nghị cựu chiến binh toàn quốc lần thứ 4 tổ chức tại Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un đã kêu gọi thanh niên Triều Tiên tiếp nối tinh thần bảo vệ tổ quốc của các liệt sỹ và cựu chiến binh, một động thái được nhiều nhà quan sát cho là để củng cố sự gắn kết giữa các thế hệ già và trẻ.
Ngoài ra, đây cũng là một dịp hiếm hoi ông Kim Jong Un bày tỏ lòng kính trọng đối với các cựu chiến binh Trung Quốc đã giúp đỡ Triều Tiên trong cuộc chiến tranh này.