Với kết quả tích cực như vậy, Văn phòng Nội các Nhật Bản dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ tăng trở lại mức trước đại dịch trong năm nay nhờ sự gia tăng của xuất khẩu và đầu tư của khối doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích cho rằng điều đó khó xảy ra khi dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại.
Tâm lý lạc quan bao trùm
Quý I/2021, GDP thực tế của Nhật Bản giảm tới 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 1% so với quý trước đó do ảnh hưởng của việc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai. Vì vậy, việc GDP thực tế quý II/2021 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,3% so với quý trước đó là một điều khá ngạc nhiên, nhất là khi phạm vi áp dụng của tình trạng khẩn cấp lần thứ ba chiếm khoảng 50% quy mô của nền kinh tế và hơn 40% dân số của nước này.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng trở lại sau khi tăng trưởng âm trong quý I là do sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Trong quý II/2021, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 2,9%, trong khi chi tiêu dùng cá nhân tăng 0,8%. Đây là quý thứ tư liên tiếp, xuất khẩu của nước này tăng, nhưng là quý đầu tiên chi tiêu dùng cá nhân phục hồi trở lại. Bên cạnh đó, đầu tư của khối doanh nghiệp và đầu tư vào nhà ở của người dân cũng tăng lần lượt là 1,7% và 2,1%.
Lý giải về sự phục hồi đầy bất ngờ này của nền kinh tế Nhật Bản, ông Takayuki Miyajima, chuyên gia kinh tế của Sony Financial Holdings Inc., cho rằng chi tiêu dùng cá nhân tốt hơn so với dự báo một phần là do nhiều người đã đi ra ngoài thường xuyên hơn và chi nhiều tiền hơn, đặc biệt trong tháng 6/2021, khi tình trạng khẩn cấp đã được dỡ bỏ ở phần lớn các tỉnh, thành tại Nhật Bản.
Trong khi đó, một quan chức của Chính phủ Nhật Bản cho biết chi tiêu vốn của các doanh nghiệp tăng chủ yếu là do những khoản đầu tư bị tạm dừng trong tài khóa 2020 (kết thúc vào cuối tháng 3/2021) bắt đầu được các doanh nghiệp giải ngân trong tài khóa này, trong khi các khoản đầu tư cho việc số hóa và giảm khí thải CO2 cũng đang tăng.
Trong bối cảnh đó, một tâm lý lạc quan đang bao trùm nền kinh tế Nhật Bản. Không chỉ có chính phủ, giới doanh nghiệp nước này cũng khá lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế.
Kết quả khảo sát do Đài phát thanh - truyền hình Nhật Bản - NHK thực hiện từ ngày 21/7 đến 4/8 cho thấy hơn 70% công ty lớn ở Nhật Bản kỳ vọng kinh tế Nhật Bản sẽ hồi phục lên mức trước đại dịch vào năm tới và sau đó.
Cụ thể, về câu hỏi khi nào nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ hồi phục tới mức trước đại dịch, 5% người trả lời dự báo điều đó sẽ xảy ra vào nửa cuối của năm nay, 30% tin rằng sẽ xảy ra vào nửa đầu năm 2022 và 24% cho rằng vào nửa cuối năm sau. Chỉ có 8% tin rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ hồi phục lên mức trước đại dịch vào nửa đầu năm 2023 và 8% khác tin rằng vào nửa cuối năm 2023.
Rủi ro vẫn còn ở phía trước
Mặc dù cả chính phủ và giới doanh nghiệp Nhật Bản đều lạc quan về triển vọng phục hồi của nền kinh tế nhưng giới phân tích lại tỏ ra khá thận trọng. Một số nhà phân tích cho rằng GDP thực tế của Nhật Bản khó có thể tăng trở lại bằng mức trước đại dịch vào cuối năm 2021 như kỳ vọng của Chính phủ.
Nguyên nhân chủ yếu là do kể từ đầu tháng 7/2021, dịch COVID-19 đã bùng phát dữ dội trở lại, khiến Chính phủ Nhật Bản phải quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ tư ở thủ đô Tokyo ngay trước thềm Thế vận hội Olympic vào ngày 8/7. Sau đó, Chính phủ Nhật Bản đã liên tục mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp ra các tỉnh Chiba, Kanagawa, Saitama và Osaka vào ngày 30/7; Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo và Fukuoka vào ngày 17/8; và Hokkaido, Miyagi, Gifu, Aichi, Mie, Shiga, Okayama và Hiroshima vào ngày 25/8.
Hiện nay, tình trạng khẩn cấp lần thứ tư đang bao trùm 21 trong tổng số 47 tỉnh, thành của nước này và sẽ có hiệu lực tới ngày 12/9. Ở các khu vực áp dụng tình trạng khẩn cấp, các nhà hàng và quán bar được yêu cầu ngừng phục vụ đồ uống có cồn và đóng cửa sớm, trong khi người dân được yêu cầu hạn chế đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết. Các biện pháp này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chi tiêu dùng cá nhân – một trong hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế.
Ông Keiji Kanda, chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu Daiwa, nhận định: “Tình trạng khẩn cấp có thể sẽ bị kéo dài đến khoảng tháng 10”. “Điều đó có nghĩa là hầu hết thời gian của quý III/2021 được đặt trong tình trạng khẩn cấp, do vậy, tăng trưởng kinh tế trong quý này sẽ rất thấp”.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia Kanda, tác động bất lợi về kinh tế của việc ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ tư dự kiến sẽ nhỏ hơn do hiệu quả của biện pháp này ngày càng giảm. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ vẫn ở mức khá thấp chừng nào tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực.
Trước đó, khi Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai và thứ ba vào đầu năm nay, số người đến các cửa hàng và cơ sở giải trí đã giảm mạnh so với thời kỳ trước đó. Tuy nhiên, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Daiwa, trong tình trạng khẩn cấp lần thứ tư, lưu lượng người đi lại chỉ giảm nhẹ ở Tokyo và gần như không đổi trên toàn quốc. Viện Nghiên cứu Daiwa dự đoán tình trạng khẩn cấp thứ tư sẽ làm GDP của Nhật Bản giảm khoảng 520 tỷ yen (4,7 tỷ USD) trong thời gian từ ngày 12/7 đến ngày 31/8, thấp hơn thiệt hại do tình trạng khẩn cấp thứ hai và thứ ba gây ra.
Mặc dù vậy, điều quan trọng là sự bùng phát của dịch COVID-19 ở nhiều nước trên thế giới đang tác động không nhỏ tới các chuỗi cung ứng quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là chuỗi cung ứng của các hãng chế tạo ô tô.
Trong tháng 8, một số hãng chế tạo ô tô lớn của nước này đã phải cắt giảm sản lượng, trong đó riêng Toyota Motor phải cắt giảm sản lượng tại 14 trong số 15 nhà máy của hãng này ở Nhật Bản cho đến cuối tháng Chín. Toyota dự báo sẽ phải cắt giảm tới 40% sản lượng trên toàn cầu vì dịch COVID-19. Điều đáng nói là ô tô đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản và xuất khẩu lại là một trong hai động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nước này. Vì vậy, không loại trừ khả năng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ đi ngang hoặc thậm chí tăng trưởng âm trong quý tới.
Trong bối cảnh đó, tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% nhằm duy trì lãi suất cho vay thấp đối với các công ty và hộ gia đình. Bên cạnh đó, BoJ công bố đại cương chương trình hỗ trợ cho vay và đầu tư đối với các tổ chức tài chính nhằm đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Được triển khai từ nay tới tài khóa 2030, chương trình hỗ trợ cho vay và đầu tư mới sẽ tiếp nối chương trình khuyến khích cho vay hỗ trợ tăng trưởng sắp kết thúc vào tháng 6/2022. Trong chương trình này, BoJ sẽ cung cấp các khoản vay không lãi suất có kỳ hạn tới 1 năm cho các tổ chức tài chính, trong khi trong chương trình cho vay hỗ trợ tăng trưởng, BoJ cung cấp các khoản vay có lãi suất 0,1% và kỳ hạn tới 4 năm cho các ngân hàng tài trợ cho các dự án có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Cho đến nay, tổng số dư của chương trình cho vay hỗ trợ tăng trưởng này lên tới 7.500 tỷ yen (68 tỷ USD).
Ngoài các biện pháp của BoJ, để vực dậy nền kinh tế Nhật Bản, theo chuyên gia Kanda, lựa chọn thực tế duy nhất của Chính phủ là đẩy nhanh chương trình tiêm chủng. Mặc dù Nhật Bản chậm hơn so với các nước phát triển khác trong việc triển khai chương trình tiêm vaccine COVID-19 nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở nước này đang tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Các số liệu thống kê mới nhất của Chính phủ Nhật Bản cho thấy tính tới ngày 22/8, hơn 66,53 triệu người ở Nhật Bản đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19, trong đó có gần 51,78 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi, chiếm hơn 40% dân số nước này.
Nếu tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh, điều đó sẽ cho phép Chính phủ Nhật Bản nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động kinh tế, qua đó giúp tăng chi tiêu dùng cá nhân và vực dậy nền kinh tế. Mặc dù vậy, kịch bản này sẽ chỉ xảy ra nếu không xuất hiện các biến thể mới có khả năng kháng vaccine. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, đó không phải là một điều hoàn toàn không thể xảy ra. Vì vậy, thật khó nói khi nào nền kinh tế Nhật Bản sẽ qua cơn bĩ cực.