Trong tháng 4, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Eurozone đã tăng lên 55,8 điểm, so với mức 54,9 điểm trong tháng trước đó. PMI - thước đo quan trọng của hoạt động sản xuất, trên 50 điểm được hiểu là kinh tế tăng trưởng. PMI tháng 4 tăng cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Eurozone, đang phục hồi nhờ việc các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, đã giúp bù đắp những tác động của tình trạng đình trệ sản xuất.
Trong khi đó, giá cả hàng hóa và dịch vụ tại Eurozone cũng tăng với tốc độ chưa từng thấy, trong bối cảnh chi phí hoạt động của các công ty đã gần chạm các mức cao kỷ lục, cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục tăng.
Nhà kinh tế trưởng của S&P Global, ông Chris Williamson, nhận định Eurozone bước vào quý II/2022 với nền tảng vững chắc hơn kỳ vọng, qua đó xua tan mối lo ngại về nguy cơ suy giảm của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại về sự đình trệ trong hoạt động sản xuất, dấu hiệu cho thấy nền kinh tế phát triển không đồng đều. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao cũng là dấu hiệu cảnh báo tăng trưởng của ngành dịch vụ có thể sụt giảm ngay khi tốc độ phục hồi sau mở cửa chậm lại.
Theo S&P Global, sản xuất ô tô là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức sụt giảm sản lượng trong tháng 4 cao hơn nhiều so với tháng 3. Nguyên nhân là do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trở nên trầm trọng hơn do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.
Khảo sát cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng không đồng đều ở các nền kinh tế thành viên Eurozone. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Trong khi đó, tại Pháp, kinh tế tăng trưởng ở mức cao nhất kể từ tháng 1/2018 nhờ những tín hiệu khởi sắc của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.