Kinh tế Đức có thể suy thoái tới giữa năm nay do dịch COVID-19

Trong tháng Ba vừa qua, nền kinh tế Đức đã chìm vào suy thoái khi sự sụt giảm trong hoạt động kinh tế do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có khả năng kéo dài tới giữa năm nay.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng bên ngoài siêu thị ở Berlin, Đức ngày 23/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông báo đưa ra ngày 15/4, Bộ Kinh tế Đức cho biết nhu cầu toàn cầu sụt giảm, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và tâm lý các nhà đầu tư bất ổn đã ảnh hưởng lớn tới cường quốc xuất khẩu này. Đại dịch COVID-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu vốn đang bắt đầu phục hồi sau năm 2019 chịu ảnh hưởng của các cuộc tranh chấp thương mại và những lo ngại xung quanh tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). 

Cũng theo bộ trên, ngành công nghiệp của Đức nói riêng đã ghi nhận số đơn đặt hàng mới tăng khi bước sang năm 2020, song cú sốc cung-cầu lớn trong và ngoài nước do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm “đảo ngược” những diễn biến kinh tế tích cực này. Cơ quan này dự báo thậm chí nếu các biện pháp phòng ngừa COVID-19 được nới lỏng vào khoảng sau tháng Tư, tăng trưởng kinh tế vẫn ảm đạm và chỉ phục hồi “từng chút một”. 

Hồi tháng Ba vừa qua, Đức đã thông qua gói giải cứu trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD) hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang lâm vào khủng hoảng do đại dịch COVID-19. Gói cứu trợ này được phân bổ để đảm bảo các khoản vay ngân hàng cho các doanh nghiệp và mua cổ phần của những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh nếu cần thiết. Chính phủ liên bang cũng nới lỏng các tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Kurzarbeit. Theo Cơ quan Lao động liên bang Đức (BA), đã có khoảng 725.000 doanh nghiệp nộp đơn xin tham gia chương trình Kurzarbeit.

Kurzarbeit là chương trình hỗ trợ của Chính phủ Đức, được thiết kế nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn mà không phải sa thải nhân viên hàng loạt, gây rắc rối cho các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế. Theo chương trình này, doanh nghiệp sẽ cho nhân viên tạm nghỉ việc ở nhà hoặc cắt giảm đáng kể số giờ làm việc của họ. Trong thời gian này, người lao động được hưởng tối đa 2/3 mức lương chính thức. Doanh nghiệp có trách nhiệm ứng trước tiền để trả cho nhân viên, sau đó sẽ được chính phủ hoàn lại. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008, chương trình này đã giúp giới doanh nghiệp Đức giữ được đội ngũ nhân sự và tái khởi động hoạt động rất nhanh khi tình hình kinh tế bắt đầu có dấu hiệu khôi phục.

BA ước tính số nhân viên sẽ nằm trong cơ chế làm việc này sẽ vượt mức đỉnh 1,4 triệu người được ghi nhận trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008. Trong khi đó, Chính phủ Đức dự báo con số này có thể lên tới 2,1 triệu người trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Phương Oanh (TTXVN)
Sự khác biệt trong cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của Đức và Anh
Sự khác biệt trong cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của Đức và Anh

Tính đến ngày 14/4, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã đạt mốc gần 2 triệu người, với trên 120.000 ca tử vong. Tại châu Âu, sự khác biệt rõ rệt trong cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của 2 quốc gia Đức và Anh được coi là bài học kinh nghiệm cho nhiều quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN