Riêng tại khu tự trị Ninh Hạ (Tây Bắc Trung Quốc), tất cả 6 khu vực cấp quận có ca nhiễm mới trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này đã cho hơn 467.000 học sinh tại tất cả các trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học địa phương tạm dừng đến trường.
Một quan chức sở giáo dục địa phương chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 26/10 rằng để đảm bảo cho hoạt động dạy và học không bị gián đoạn, ngoài việc nhanh chóng chuẩn bị các video quay trước các bài giảng để phát trực tuyến, khu vực này đã tổ chức để các giáo viên xây dựng các khóa học có tính tương tác và tham gia các buổi nói chuyện trực tuyến (livestream) giúp xóa bỏ những hoài nghi đối với phương pháp dạy trực tuyến.
Zhang Haiyan, giáo viên dạy văn tại một trường tiểu học ở Ninh Hạ, cho biết năm ngoái khi tổ chức dạy học bằng cách phát các video đã ghi hình trước, nhà trường và giáo viên không thể xác định số học sinh tham gia buổi học nhưng hiện nay, khi thực hiện các bài giảng theo hình thức livestream, giáo viên không chỉ xem được số lượng người đang tham gia lớp học mà còn có thể thấy tên của những học sinh có mặt trong buổi học.
He Cuiling, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với tác động khi đại dịch bùng phát trở lại. Nhà trường đã phát cho các giáo viên chân máy (tripod) kê điện thoại di động để phục vụ việc giảng dạy trực tuyến, đồng thời hỗ trợ những học sinh không có điều kiện trang bị các thiết bị học online được mượn máy tính bảng để học. Nhà trường cũng đã nâng cấp nền tảng livestream để có thể giám sát tất cả các lớp học trực tuyến để đưa ra đánh giá và phản hồi với mỗi lớp.
Giám đốc Trung tâm phát triển giảng viên thuộc Phòng Giáo dục huyện Tân Thanh, tỉnh Hắc Long Giang cho biết vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, các học sinh cùng khóa đều được học tập theo các video đồng bộ được ghi sẵn vì khi đó tất cả các trường học trong khu vực đều triển khai học trực tuyến khi bước vào học kỳ mới. Tuy nhiên, đợt bùng phát lần này xảy ra vào giữa kỳ học khi các lớp đang ở các tiến độ học khác nhau. Do đó, ngành giáo dục địa phương đã xác định phải có cách tiếp cận mục tiêu để nội dung các buổi học trực tuyến đáp ứng tiến độ đang dang dở.
Quan chức này khẳng định các nền tảng livestream đã đáp ứng hiệu quả những nhu cầu trên, cho phép các giáo viên dạy các lớp học mình phụ trách theo đúng tiến độ.
Li Wenxing, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Ninh Hạ, chia sẻ vào ban ngày, nhà trường yêu cầu học sinh xem các video được chuẩn bị theo từng buổi học trên truyền hình và đến tối, các em sẽ tham gia một buổi tương tác trực tuyến với giáo viên. Các buổi tương tác trực tuyến bắt đầu sau 18h hằng ngày để đảm bảo các phụ huynh sẽ cùng con lên lớp, tránh những nguy cơ ngoài ý muốn khi để trẻ sử dụng thiết bị di động.
Việc điều chỉnh cách thức tổ chức lớp học không chỉ giúp các giáo viên chủ động hơn mà còn mang lại hiệu quả học tập cho học sinh. An Siwen, một học sinh lớp 5, cho biết trước đây, khi học theo các video được dựng sẵn để phát trên truyền hình thì em rất hay bị bỏ lỡ nội dung học. Tuy nhiên, giờ đây khi tham gia các buổi học mà giáo viên sẽ dạy bằng cách livestream và thường xuyên nhắc nhở về bài tập hoặc đặt câu hỏi tương tác liên quan nội dung học, em đã có thể tập trung tốt hơn.
Dẫu vậy, cũng như nhiều trẻ em khác đang trong độ tuổi đến trường với mong muốn được gặp gỡ và học tập với các bạn đồng trang lứa, An Siwen vẫn hy vọng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc để được trở lại trường càng sớm càng tốt.