Kênh BBC (Anh) đưa tin Trung tâm Phục hồi và Cải tạo nhân phẩm Daura ở miền Bắc Nigeria là một trong một những tổ chức vừa bị lực lượng chức năng đột nhập khám xét và phát hiện nhiều trường hợp tra tấn trẻ em dã man trong nhiều tháng qua. Đây là nơi nhiều bậc phụ huynh đã tin tưởng lựa chọn gửi những đứa trẻ nghịch ngợm, sa ngã đến để cai nghiện ma túy, giáo dục và cải tạo nhân cách.
Có hình thức là một ngôi trường nhưng trung tâm này lại giống với những "ngục tra tấn” thời Trung cổ.
Trung tâm được xây dựng gồm 2 tòa nhà chính. Trong đó, có một tòa nhà sạch sẽ, khang trang là nơi trẻ em được dạy kinh Koran. Còn tòa nhà còn lại đang trong tình trạng xuống cấp, tồi tàn và được rào kín xung quanh, không khí vô cùng ngột ngạt. Các cựu học sinh kể rằng có tới 40 người bị giam giữ trong một căn phòng chỉ 75 mét vuông.
Quần áo bẩn vứt bừa bãi trên giường ngủ và sàn nhà. Những đứa trẻ sống tại đây bị cùm chân, đi lại khó khăn với những chiếc dây xích nặng nề và vướng víu. Nhà vệ sinh cũng là nơi ăn ngủ của các em. Những đứa trẻ còn thường xuyên bị đánh đập, bị các thành viên trong trung tâm hãm hiếp.
“Đó là địa ngục trần gian”, anh Rabiu Umar, người từng bị giam giữ tại đây chia sẻ.
Trong tháng qua, khoảng 600 người đã được tìm thấy đang phải sống trong điều kiện khủng khiếp: bị xiềng xích, bỏ đói và lạm dụng tình dục.
Từng có 67 cậu bé và nam thanh niên đã được giải cứu khỏi cơ sở này. Cảnh sát cho biết trong sổ đăng ký của trung tâm, có đến 300 người nhưng nhiều người trong số họ đã trốn thoát sau một cuộc bao loạn vào cuối tuần trước.
Trường hợp đầu tiên bị phát hiện vào cuối tháng 9 tại khu phố Rigasa thuộc thành phố Kaduma, phía Tây Bắc Nigeria. Từ những manh mối được tiết lộ, cảnh sát đã tìm thấy và giải cứu gần 500 người, bao gồm cả trẻ em đang bị giam giữ. Nhiều em sau khi được giải cứu đã gặp phải chấn thương tâm lý, cơ thể đầy vết thương phồng rộp và cả những vết sẹo vẫn còn mới nguyên. Một trong số em còn bị tra tấn như thời Trung cổ, bị treo lủng lẳng trên trần nhà, tay chân bị xích vào vành bánh xe.
Bà Hafsat Baba, Ủy viên Hội đồng dịch vụ Nhân sinh và Phát triển xã hội của bang Kaduna cho hay chính quyền đang kên kế hoạch kiểm tra lại tất cả các cơ sở hoạt động dưới hình thức này và đóng cửa chúng. Những chủ sở hữu các trung tâm bị phát hiện hành hạ trẻ em, giam giữ người trong điều kiện khủng khiếp này cũng sẽ bị truy tố trước pháp luật.
Hơn một tuần trước, nhiều phụ nữ cũng đã được giải cứu khỏi những trại giam giữ khác ở Kaduma. Bà Baba cho rằng đây là điều bất thường bởi các tổ chức này không được phép giam giữ nam và nữ.
“Tôi nghĩ rằng không ai lớn lên ở miền Bắc Nigeria mà không biết đến những ngôi trường này, tất cả chúng ta đều biết rằng trẻ em đang bị lạm dụng ở đó. Mọi người tin rằng những ngôi trường này có thể giáo dục và chữa bệnh bằng tâm tinh. Họ không quan tâm đến việc trẻ em có thể bị mất nhân tính, bị đối xử như thế nào”, anh Jaafar Jaafar, một người dùng nền tảng xã hội trực tuyến Daily Nigeria cho biết.
Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh đã quyết liệt phản đối khi biết con mình bị lạm dụng tình dục.
Sau cuộc đột nhập khám xét ở Kaduna vào tháng 9 vừa qua, anh Ibarahim Adamu, cha của một trong những học sinh được đưa đến “trường học tra tấn” chia sẻ: “Nếu chúng tôi biết rằng những điều kinh khủng này đã xảy ra trong trường, chúng tôi sẽ không gửi con mình đến đây. Chúng tôi cho chúng đến trường để được giáo dục nhưng không ngờ rằng chúng lại bị tra tấn, ngược đãi”.
Ông Sanusi Buba, cảnh sát bang Katsina cho biết phụ huynh sẽ không được nói chuyện với con cái họ khi chúng được gửi đến trung tâm. Và ngay cả khi họ đến thăm con mình, họ không có quyền theo dõi hay tiếp cận với chúng.
Tuy nhiên, ông vẫn kiên quyết rằng “luật pháp của đất nước không cho phép ai đó tạo ra một trung tâm cải tạo để thu tiền”.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do thiếu các cơ sở do nhà nước hỗ trợ ở miền Bắc Nigeria. Theo Liên hợp quốc, đã có 3 triệu người nghiện ma túy ở Tây Bắc Nigeria vào năm 2017. Gần nửa triệu người trong số họ ở bang Katsina, nơi chỉ điều hành 2 trung tâm cải tạo, một cho nam và một cho nữ.
Việc thiếu các ngôi trường được nhà nước tài trợ đã khiến các trung tâm cải tạo tư thục mọc lên như nấm và trở thành lựa chọn cuối cùng của các bậc phụ huynh. Thậm chí, các nhà chức trách đã tiếp cận với một trung tâm công lập cũng đã phát hiện ra điều kiện giáo dục ở đó cũng rất tồi tệ.
Năm 2018, các phóng viên BBC cũng đã bóc trần điều kiện kinh hoảng tại một trung tâm công lập ở tiểu bang Kano. Nhiều bệnh nhân mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần bị xích dưới đất.
Tuy nhiên, Thống đốc Aminu Bello Masari phủ nhận điều đó và nói rằng các trung tâm tại bang Katsina đảm bảo đầy đủ điều kiện để cung cấp sự phục hồi cần thiết các các bệnh nhân nghiện ma túy hay mắc bệnh rối loạn tâm thần.
Không còn lựa chọn nào khác, nhiều bậc phụ huynh vẫn phải ngậm ngùi đưa con đến các trung tâm cải tạo để tìm giải pháp – nơi hàng ngày các em phải sống trong sợ hãi, thiếu thốn và những ước mơ làm lại cuộc đời không biết bao giờ mới có thể trở thành hiện thực.