Kịch bản nào cho Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tại phiên xét xử sơ thẩm?

Vào ngày 20/2, lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, một tổng thống đương nhiệm sẽ bị xét xử tại tòa án hình sự, mở đầu cho một cuộc chiến pháp lý chống lại ông Yoon Suk Yeol, người bị buộc tội nổi loạn và lạm dụng quyền lực.

Chú thích ảnh
Tổng thống bị đình chỉ của Hàn Quốc, ông Yoon Suk Yeol, trong phiên điều trần tại Toà án Hiến pháp ở Seoul, ngày 13/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Phiên xét xử sơ thẩm vào ngày 20/2 tại Tòa án Trung tâm Quận Seoul sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một phiên tòa có thể kéo dài tới 6 tháng, có sự góp mặt của các nhân chứng quan trọng và vị tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc có thể đối mặt với mức án tù chung thân.

Theo luật pháp Hàn Quốc, các công tố viên có thể giam giữ bị cáo tới 6 tháng sau khi truy tố, nghĩa là Tổng thống Yoon có thể bị giam giữ cho đến ngày 25/7, trừ khi tòa án cho phép ông tại ngoại hoặc hủy bỏ lệnh bắt giữ.

Không giống như phiên tòa luận tội ông Yoon - tập trung vào những cáo buộc vi phạm Hiến pháp của ông Yoon - phiên tòa hình sự này sẽ đi sâu vào các hành vi phạm tội cụ thể của ông Yoon theo luật hình sự và sẽ xác định liệu việc áp đặt thiết quân luật của ông có phải là hành động chính đáng hay là hành vi lãnh đạo cuộc nổi loạn.

Mặc dù hai phiên tòa có bản chất khác nhau nhưng các chuyên gia pháp lý tin rằng Tổng thống Yoon và các luật sư của ông sẽ lập luận rằng tuyên bố thiết quân luật của ông không phải là hành vi lãnh đạo một cuộc nổi loạn và sẽ xem phiên tòa này là một cuộc đàn áp chính trị của bên công tố.

Nhận định về bản án đối với Tổng thống Yoon

Phiên tòa hình sự này được xem là sẽ quyết định số phận của Tổng thống Yoon. Một số chuyên gia dự đoán ông Yoon có thể đối diện với mức án chung thân trong phán quyết sơ thẩm do mức độ nghiêm trọng của cáo buộc lãnh đạo một cuộc nổi loạn. Theo luật hình sự của Hàn Quốc, những người bị kết tội lãnh đạo một cuộc nổi loạn phải đối mặt với án tử hình hoặc tù chung thân.

Tuy nhiên, một chuyên gia pháp lý cho biết rằng ông Yoon khó có thể bị tuyên án án tử hình vì lệnh thiết quân luật của ông không thực sự dẫn đến tử vong hoặc gây thương tích. Điều này không giống như các vụ án trước đây dẫn đến các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

“Không giống như cựu Tổng thống Chun Doo Hwan, người chịu trách nhiệm cho vụ thảm sát Gwangju năm 1980 khiến ít nhất 160 người thiệt mạng, lệnh thiết quân luật của ông Yoon không gây ra tử vong hoặc thương tích đáng kể. Tôi nghĩ là tòa án sẽ tuyên án tù chung thân thay vì tử hình”, cựu thẩm phán Noh Hee Bum tại Tòa án Hiến pháp cho biết.

Theo một chuyên gia pháp lý khác, giống như những gì tại Tòa án Hiến pháp, Tổng thống Yoon dự kiến ​​sẽ đưa ra lập luận rằng tuyên bố thiết quân luật của ông chỉ đơn thuần là một "lời cảnh báo cho phe đối lập". Hoặc, ông cũng có thể cho rằng hành động này chỉ là một nỗ lực nhằm "cảnh báo" tới công chúng về cách phe đối lập được cho là đã làm tê liệt chương trình nghị sự của chính quyền và phá hoại Hiến pháp.

“Ông ấy sẽ phủ nhận cáo buộc rằng ông đã lãnh đạo một cuộc nổi loạn. Cá nhân tôi nghĩ ông Yoon, một cựu công tố viên và chuyên gia pháp lý, biết rằng ông không thể được tha bổng trong phiên tòa hình sự. Nhưng ông ấy có thể sẽ cố gắng tác động đến dư luận và sự đoàn kết những người ủng hộ cực hữu của mình bằng cách nêu ra nhiều vấn đề tranh cãi và chính trị hóa phiên tòa”, Giáo sư luật Lee Yun Ju tại Đại học Myongji cho biết.

Giáo sư Lee cho biết việc chính trị hóa phiên tòa xét xử sẽ là cách duy nhất để ông Yoon vẫn “giữ được giá trị” đối với đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền và đảm bảo được lệnh ân xá đặc biệt, với điều kiện là PPP vẫn nắm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

“Các đại diện pháp lý của ông Yoon sẽ có những nỗ lực khác nhau để trì hoãn phiên tòa. Ông Yoon đã nộp đơn lên Tòa án Trung tâm quận Seoul đề nghị hủy lệnh bắt giữ. Nhưng tôi hy vọng phán quyết đầu tiên của phiên tòa sẽ được đưa ra trong vòng 6 tháng, vì đã có đủ bằng chứng chống lại ông ấy”, Giáo sư Lee nói thêm.

Một luật sư từng là công tố viên yêu cầu giấu tên đã nói với tờ The Korea Herald: "Quyết định của Tòa án Trung tâm quận Seoul về việc ngừng phân công các vụ án mới cho bộ phận có nhiệm vụ xử lý vụ án của ông Yoon (và các vụ án khác liên quan đến tuyên bố thiết quân luật của ông) chứng tỏ tòa án có ý định tiến hành xét xử nhanh chóng".

Vị luật sư này giải thích rằng tòa án có thể giảm hoặc đình chỉ khối lượng công việc của một bộ phận để đẩy nhanh các vụ án vì nếu chậm trễ có thể gây ra tranh cãi kéo dài trong xã hội.

"Nếu vụ án không kết thúc trong thời hạn lệnh bắt giữ và ông Yoon được rời khỏi trại giam, bên công tố sẽ bị chỉ trích nghiêm trọng. Xem xét mức độ nghiêm trọng của vấn đề, bên công tố sẽ không cố gắng tạo ra bất kỳ tranh cãi nào bằng cách kéo dài phiên tòa", vị luật sư nói thêm.

Những vấn đề sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp

Nếu Tòa án Hiến pháp xác nhận việc luận tội và cách chức, ông Yoon sẽ mất quyền miễn trừ của tổng thống được quy định tại Điều 84 của Hiến pháp. Điều khoản này quy định bảo vệ tổng thống không bị bị truy tố hình sự ngoại trừ các trường hợp nổi loạn hoặc phản quốc.

Quyền miễn trừ này cho phép các công tố viên chỉ truy tố ông vì đã lãnh đạo một cuộc nổi loạn vào tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên nếu ông Yoon không còn là tổng thống thì bên công tố viên có thể truy tố thêm các tội danh khác, chẳng hạn như lạm dụng quyền lực, có khả năng dẫn đến một phiên tòa hình sự khác.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, trách nhiệm phạm tội hình sự của Tổng thống Yoon cũng có thể sẽ trở nên phức tạp hơn nếu Tòa án Hiến pháp không xác nhận việc luận tội ông.

“Nếu tổng thống bị truy tố và giam giữ vì tội lãnh đạo một cuộc nổi loạn, ông ấy không thể được thả và phục chức ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu tòa án tiếp tục giam giữ Yoon thì sự bất ổn chính trị có thể đạt đến mức chưa từng có”, cựu thẩm phán Noh cho biết.

Về việc ông Yoon được tại ngoại, cựu thẩm phán Noh cho rằng khả năng này là cực kỳ thấp. Ông tin rằng tòa án sẽ không chấp thuận yêu cầu tại ngoại hoặc đơn xin hủy bỏ lệnh bắt giữ của ông.

Số phận của các vị Tổng thống Hàn Quốc bị bắt giữ trước đây

Mặc dù là tổng thống đương nhiệm đầu tiên phải ra tòa vì cáo buộc hình sự nhưng ông Yoon không phải là người từng giữ cương vị tổng thống đầu tiên bị buộc tội hình sự. Đã có 4 cựu tổng thống gồm: Chun Doo Hwan, Roh Tae Woo, Lee Myung Bak và Park Geun Hye bị cáo buộc phạm tội hình sự. Tuy nhiên, không ai trong số những người trên đang giữ cương vị tổng thống vào thời điểm bị bắt.

Vụ án gần đây nhất liên quan đến cựu Tổng thống Lee Myung Bak, người bị buộc tội vào tháng 4/2018 khi đối diện với 16 tội danh bao gồm tham ô và nhận hối lộ.

Một tòa án quận của Hàn Quốc đã tuyên án ông Lee phạm 7 tội danh và tuyên án 15 năm tù trong bản án sơ thẩm vào tháng 10/2018. Tuy nhiên, ông Lee chỉ phải ngồi tù 2 năm 6 tháng sau khi được chính Tổng thống Yoon ân xá vào năm 2022.

Bên cạnh đó, các công tố viên đã truy tố cựu Tổng thống Park Geun Hye với nhiều tội danh, bao gồm hối lộ, lạm dụng quyền lực và ép buộc vào tháng 4/2017. Trong phán quyết năm 2018, tòa án tuyên bà Park phạm 16 tội danh trong số 18 cáo buộc trước đó và tuyên án 24 năm tù. Sau đó, bà Park bị tuyên án còn 4 năm 9 tháng tù, nhưng được Tổng thống Moon Jae In ân xá.

Trong khi đó, các cựu Tổng thống Chun và Roh là 2 cựu tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc bị bắt giữ vào năm 1995. Mỗi người đều bị truy tố về các tội danh nổi loạn, phản quốc, nhận hối lộ và tham nhũng vào tháng 1/1996.

Tòa án quận Seoul đã tuyên án tử hình đối với cựu Tổng thống Chun và tuyên mức án tù 22 năm 6 tháng đối với cựu Tổng thống Roh trong bản án xét xử sơ thẩm vào tháng 8 cùng năm.

Mặc dù Tòa án Tối cao đã xác nhận phán quyết của tòa án cấp dưới khi tuyên án ông Chun tù chung thân và ông Roh tù 17 năm 6 tháng, nhưng hai cựu tổng thống này đã được Tổng thống Kim Young Sam khi đó ân xá vào năm 1997, sau khi thụ án 2 năm tù.

Bình Thanh/Báo Tin tức (Theo Korea Herald)
Hàn Quốc giữ nguyên lịch trình điều trần Tổng thống Yoon
Hàn Quốc giữ nguyên lịch trình điều trần Tổng thống Yoon

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc quyết định sẽ tiến hành phiên điều trần thứ 10 luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol theo đúng kế hoạch vào ngày mai 20/2. Trước đó, Tổng thống Yoon đã đề nghị hoãn phiên điều trần này, do xung đột lịch trình với phiên điều trần sơ bộ đầu tiên trong phiên tòa hình sự xét xử ông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN