Theo tờ DW (Đức), chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 bị đóng băng, an ninh năng lượng của châu Âu đang gặp nguy hiểm.
Mặc dù nằm cách xa nơi giao tranh, biến động chính trị mới cũng làm thay đổi nhiều điều với Tây Ban Nha. Mối quan hệ kinh tế lâu dài với Trung Đông - Bắc Phi, cũng như một loạt công viên năng lượng Mặt trời và gió của nước này bỗng nhiên thu hút sự chú ý. Tây Ban Nha cũng sở hữu 6 nhà máy sản xuất khí đốt hóa lỏng (LNG) – mặt hàng mà nhiều nước châu Âu khao khát, trong khi nhà máy thứ bảy đang được xây dựng. Họ còn đang tìm cách tăng cường liên kết với Nigeria và các nhà cung cấp nguyên liệu thô khác.
Quốc gia trên bán đảo Iberia sản xuất 21% tổng năng lượng tiêu thụ từ các nguồn tái tạo, và do đó, hiện không gặp phải rắc rối nào về nguồn cung.
Tổng hợp những ưu điểm đang nắm giữ thì nhiều người coi đây là cơ hội lớn để Tây Ban Nha trở thành một siêu cường năng lượng châu Âu trong tương lai.
Hồi sinh đường ống MidCat?
Thực tế là Tây Ban Nha quá phụ thuộc vào du lịch, ngành kinh tế bị đóng băng trong mấy năm đại dịch COVID-19. Giờ đây, nước này muốn sử dụng 140 tỉ euro (154 tỉ USD) từ Quỹ Thế hệ Tiếp theo của Liên minh châu Âu để chuyển đổi xanh nền kinh tế của mình. Điều này liên quan đến sản xuất hydro xanh (Hydro là loại khí có nhiệt cháy cao nhất trong tất cả các loại nhiên liệu trong thiên nhiên, được sử dụng làm nhiên liệu phóng các tàu vũ trụ).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đến Madrid nhiều lần và đồng ý với Tây Ban Nha. Bà cũng quan tâm đến việc hồi sinh dự án MidCat Pipeline (Midi Catalonia), một hệ thống dẫn khí đốt giữa Tây Ban Nha và Pháp. Sau khi xây dựng được 80km đường ống trên lãnh thổ Tây Ban Nha, hoạt động thi công dự án bị dừng lại vào năm 2019. Nếu hoàn thành, đường ống sẽ có công suất 7,5 tỷ mét khối khí đốt và có thể là khởi đầu của một thứ gì đó lớn hơn. Công suất này là khá nhỏ nếu so sánh với Dòng chảy phương Bắc 1 có thể xử lý 55 tỷ mét khối khí mỗi năm.
Hiện tại, chỉ có hai đường ống tương đối nhỏ vận chuyển khí đốt từ Navarra và Xứ Basque tới Pháp. Bộ trưởng Môi trường Tây Ban Nha Teresa Ribera gần đây đã chỉ trích Pháp vì nước này không muốn tham gia hồi sinh dự án MidCat.
Ignacio Cembrero, một chuyên gia về Bắc Phi, nhận xét: "Chủ yếu là về vấn đề tài chính. Tuy nhiên, sự thất bại của Nord Stream 2 đã khiến chủ đề này lại trở nên phù hợp”.
Giảm giá năng lượng trong nước trước
Tuy nhiên, trước tiên Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phải giảm được giá năng lượng trong nước xuống trong ngắn hạn. Nhiều hộ gia đình đang rất khó khăn do đại dịch COVID-19 kéo dài, thảm họa bão tuyết, lạm phát và giờ là hạn hán khắc nghiệt.
Chính phủ đã giảm thuế giá trị gia tăng với điện, nhưng chừng đó là chưa đủ. Đối mặt với giá khí đốt phi mã, Thủ tướng Sanchez muốn đảm bảo rằng các nguồn năng lượng xanh như thủy điện, năng lượng Mặt trời và gió sẽ trở nên hấp dẫn. Hiện nhà lãnh đạo Tây Ban Nha đã bắt đầu chuyến công du châu Âu để xúc tiến kế hoạch của mình.
Ông Sanchez muốn giành được sự đồng thuận trong EU. Một số nhà quan sát thị trường đã nhìn thấy cơ hội, cả kinh tế và chính trị, cho Tây Ban Nha, trong khi những người khác lại coi mục tiêu trở thành nhà cung cấp năng lượng là viển vông.
"Rõ ràng là vào năm 2025, nhờ có nhiều công viên năng lượng Mặt trời và gió, chúng tôi sẽ có thể đạt được mức giá 50 euro cho một megawatt điện, trong khi Đức và Pháp sẽ phải trả từ 60-70 euro”, ông Luis Merino - tổng biên tập tạp chí Energias Renovables dự đoán. Mức giá thấp này khiến viễn cảnh Tây Ban Nha trở thành một quốc gia xuất khẩu năng lượng trở nên hấp dẫn hơn.
Thay đổi chiến lược cần thời gian
Tây Ban Nha đã có một số kinh nghiệm trong vận chuyển năng lượng. Trong tháng 1 vừa qua, nước này xuất khẩu điện sang Pháp nhiều hơn lượng điện nhập khẩu.
Roberto Gomez-Calvet, chuyên gia năng lượng tại Đại học Châu Âu Valencia, cho biết: "Chiến lược hiện tại của chính phủ về cơ bản là đúng, nhưng sẽ mất nhiều năm."
Ông Gomez-Calvet cho rằng: “Dường như không có bất kỳ lựa chọn nào khác lúc này để thay thế lượng dầu và khí đốt bị thiếu. Đó là lý do tại sao nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên vừa đi vào hoạt động ở Mallorca. Nó sẽ là con chuột bạch cho ngành công nghiệp”.
Theo Roberto Centeno, cựu giám đốc công ty khí đốt Enagas, để giấc mơ biến Tây Ban Nha thành nhà sản xuất năng lượng lớn của Thủ tướng Sanchez thành hiện thực, khí đốt sẽ phải được nhập khẩu từ Mỹ với quy mô lớn. Ông nói: “Trước đây, chúng tôi muốn kết nối với Pháp, nhưng để đưa khí đốt của Nga đến Tây Ban Nha, chứ không phải ngược lại".