Theo ông Croo, các nước châu Âu cần tránh việc cạnh tranh, giành giật các hợp đồng khí đốt song phương. Thay vào đó, EU cần ký các hợp đồng mua chung với các nhà cung cấp lớn, nếu không kinh tế khu vực dễ bị hủy hoại bởi giá nhiên liệu tăng cao.
Thủ tướng Bỉ cho rằng EU cần áp dụng thành tựu của chiến lược mua chung vaccine ngừa COVID-19 vào nỗ lực điều phối thống nhâtys nhằm bảo đảm tiếp cận được nguồn cung khí đốt lớn trong bối cảnh khu vực tìm cách kiểm soát đà của giá năng lượng và giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt, dầu mỏ từ Nga.
Cho rằng thị trường năng lượng của EU vừa qua đã thất bại, vượt khỏi tầm kiểm soát, ông Croo đề xuất ý tưởng áp giá trần đối với mặt hàng khí đốt. Mục đích là để tránh xu hướng chạy đua, giành giật nguồn năng lượng này bằng mọi giá, tìm ra một cơ chế đoàn kết để bảo đảm ở bất kỳ thời điểm nào trong năm các nước trong khối đều có đủ lượng khí đốt cần thiết.
Theo thủ tướng Bỉ, việc các nước chạy đua tìm kiếm các hợp đồng năng lượng song phương ở thời điểm này là hành động bình thường xét ở góc độ từng quốc gia. Nhưng sẽ có một cách làm tốt hơn nếu hành động cả khối. Ông nhắc lại tình huống EU phải đối mặt với COVID-19 giai đoạn đầu bùng phát. Thời điểm đó, một số nước thành viên tìm cách đàm phán riêng, ký kết các hợp đồng cung ứng với các nhà sản xuất. Nhưng sau đó Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu can thiệp và tuyên bố thực hiện việc mua sẵm theo một cơ chế đoàn kết, dưới hình thức mua chung.
Năng lượng nổi lên là bài toán khó đối với EU sau khi Nga mở chiến dịch can thiệp quân sự ở Ukraine. EC hối thúc các nước thành viên giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Đề xuất của Thủ tướng Bỉ cũng phù hợp với dự thảo chính sách năng lượng cho EU đang được EC xây dựng. “EU sẽ mạnh hơn khi hành động cùng nhau. Cả khối cần hành động có sự điều phối để làm chủ sức mạnh thị trường trong các cuộc đàm phán với các nhà cung ứng”, dự thảo nêu.