Khu vực tự do thương mại châu Phi có thể thay đổi cuộc chơi?

Các nhà lãnh đạo châu Phi ngày 7/7 đã thiết lập khu vực tự do thương mại châu Phi, động thái được kỳ vọng nếu thành công sẽ giúp đoàn kết 1,3 tỷ người, tạo khối kinh tế 3.400 tỷ USD và tạo động lực cho kỷ nguyên phát triển mới.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari ký thỏa thuận trước khi tuyên bố về thành lập AFCFTA tại hội nghị Liên minh châu Phi ở Niger ngày 7/7. Ảnh: Reuters

Sau 4 năm đàm phán, thỏa thuận hình thành khối thương mại với 54 quốc gia đã đạt được vào tháng 3, mở đường cho lễ ký tại hội nghị của Liên minh châu Phi (AU) ngày 7/7 ở Niger. Nhân sự kiện này, Ghana được công bố là nơi đặt trụ sở chính của AFCFTA trong tương lai.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết có kỳ vọng Khu vực Tự do Thương mại châu Phi (AFCFTA) sẽ giúp “mở khóa” cho tiềm năng kinh tế của "Lục địa Đen" qua thúc đẩy thương mại liên vùng, củng cố chuỗi cung ứng...

Tổng thống Ai Cập kiêm Chủ tịch AU Abdel Fattah al-Sisi phát biểu tại buổi khai mạc: “Mọi con mắt của thế giới đều hướng về châu Phi. Thành công của AFCFTA sẽ là bài thử nghiệm thực sự để đạt tăng trưởng kinh tế có thể khiến giấc mơ của người dân châu Phi về phúc lợi và chất lượng cuộc sống trở thành hiện thực”.

Nhà kinh tế học John Ashbourne tại Capital Economics (Anh) đánh giá đối với nền kinh tế không đa dạng và chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu như Nigeria thì lợi ích đạt được sẽ không nhiều như những quốc gia khác.

Do vậy, các quan chức Nigeria lo ngại rằng quốc gia này sẽ phải đối mặt với hàng hóa giá rẻ đổ về. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nam Phi lại hào hứng với khu vực tự do thương mại bởi có thể mở rộng thị trường xuất khẩu đến Tây và Bắc Phi.

Có nhiều điều châu Phi cần phải hoàn thiện. Theo đó, thương mại liên vùng chỉ chiếm 17% xuất khẩu trong năm 2017. Trong khi đó, thương mại liên vùng của châu Á là 59% và châu Âu là 69%. Ngoài ra châu Phi còn chậm chân trong cuộc đua bùng nổ kinh tế so với các khu vực thương mại khác trong những thập niên gần đây.

Các nhà kinh tế học nhận định vẫn còn nhiều thách thức đặc biệt, bao gồm hệ thống đường xá và đường sắt không đạt chất lượng, nhiều khu vực vẫn còn bất ổn, quan liêu ở biên giới, tham nhũng… đã kìm hãm phát triển và hội nhập của châu Phi.

Song các thành viên tham gia khối cam kết loại bỏ thuế với hầu hết các mặt hàng, tăng thương mại trong khu vực từ 15-25%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính khi những vấn đề được giải quyết thì con số này có thể tăng gấp đôi. IMF trong tháng 5 đánh giá khu vực tự do thương mại có thể mang tiềm năng “thay đổi cuộc chơi kinh tế”, điều từng diễn ra tại châu Âu và Bắc Mỹ nhưng cần có cảnh giác.

Mặc dù AFCTFA còn chứa đựng một số tồn tại mang tính kỹ thuật cần tiếp tục giải quyết, nhưng việc 54 quốc gia thành viên AU đồng lòng xây dựng và đưa vào hoạt động hiệp định thương mại tự do được mong đợi bấy lâu này là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với 1,3 tỷ người dân nơi đây, mà còn với phần còn lại của thế giới.

Bên cạnh kỳ vọng sẽ giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân châu Phi đang còn nhiều thiếu thốn, từng bước hiện thực hóa "ước mơ" một châu Phi không còn đói nghèo, AFCTFA sẽ nâng vị thế của châu Phi trên bàn đám phán thương mại ngang hàng với Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) hay Hiệp định Mỹ- Mexico - Canada (USMCA), thỏa thuận cập nhật hóa của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

 

Hà Linh/Báo Tin tức
Đàm phán thương mại vừa nối lại, Trung Quốc liền chìa 'cành ô liu' cho Mỹ?
Đàm phán thương mại vừa nối lại, Trung Quốc liền chìa 'cành ô liu' cho Mỹ?

Trung Quốc cho phép mở rộng khả năng đầu tư của các công ty nước ngoài vào quốc gia châu Á sớm hơn dự định. Quyết định được đưa ra sau khi Bắc Kinh và Washington đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại thứ hai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN