Báo cáo thường niên do Bain, tổ chức đầu tư xanh GenZero và Ngân hàng Standard Chartered biên soạn, cho rằng với mức tiêu thụ năng lượng ở Đông Nam Á dự kiến tăng 40% trong thập niên này, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) gây biến đổi khí hậu vẫn gia tăng, đồng thời khu vực vẫn phải phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo báo cáo, mặc dù đầu tư xanh đã tăng 20% vào năm ngoái nhưng vẫn thấp so với mức 1.500 tỷ USD cần thiết trong thập niên này và lượng khí thải ở 10 quốc gia trong khu vực có thể vượt quá cam kết năm 2030 tới 32% nếu tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại.
Giám đốc điều hành của GenZero, Kimberly Tan, nhấn mạnh "các quốc gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư bắt buộc phải tăng tốc nỗ lực vì Đông Nam Á vẫn đang đi chệch hướng".
Theo báo cáo, năng lượng sạch chỉ chiếm 10% tổng nguồn cung và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cao hơn khoảng 5 lần so với đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chi phí vốn cao cũng như các quy định về lưới điện và thuế quan không chắc chắn cũng khiến việc cấp vốn cho các dự án tái tạo trở nên khó khăn hơn.
Trong khi đó, chỉ có 4 trong số 10 quốc gia trong khu vực - gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam - đạt được tiến bộ trong việc định giá carbon.
Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhiều chính sách và ưu đãi hơn, hợp tác khu vực chặt chẽ hơn và tập trung lâu dài vào các công nghệ đã có thể triển khai.
Ông Kimberly Tan cũng cho rằng khu vực Đông Nam Á mới bước vào hành trình khử carbon nên vẫn được hưởng lợi từ việc có nhiều đòn bẩy để giảm lượng khí thải hiện nay.
Báo cáo khuyến nghị 13 đề xuất đầu tư có thể mang lại doanh thu 150 tỷ USD trước năm 2030, trong đó có đầu tư cho nông nghiệp bền vững và các nhà máy năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Theo báo cáo của Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore và công ty tư vấn McKinsey công bố tháng này, Đông Nam Á là khu vực có mức đầu tư thấp thứ hai vào năng lượng tái tạo, chỉ sau khu vực châu Phi Nam Sahara.
Báo cáo cho biết công suất lắp đặt năng lượng Mặt Trời hằng năm tại khu vực này cần tăng từ mức 5 GW hiện tại lên 35 GW trong giai đoạn 2030 - 2050 nếu muốn đáp ứng các cam kết đưa phát thải ròng về 0.