Theo các chuyên gia, du lịch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của các quốc gia trên thế giới; giải quyết nhu cầu của du khách, ngành công nghiệp, môi trường và cộng đồng. Phát triển du lịch bền vững và thực hành quản lý được áp dụng cho tất cả các hình thức du lịch ở nhiều điểm đến, bao gồm du lịch đại chúng và các phân khúc du lịch khác nhau. Các nguyên tắc bền vững đề cập đến khía cạnh môi trường, kinh tế, văn hóa xã hội của phát triển du lịch để đảm bảo tính bền vững.
Để phát triển du lịch bền vững cần hướng tới việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên môi trường, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, giúp bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó là việc tôn trọng tính xác thực về văn hóa, xã hội của cộng đồng địa phương; bảo tồn di sản văn hóa, giá trị truyền thống, đóng góp vào sự hiểu biết và khoan dung giữa các nền văn hóa. Du lịch tạo cơ hội nâng cao thu nhập, dịch vụ xã hội cho cộng đồng sở tại, góp phần xóa đói giảm nghèo; thúc đẩy hoạt động du lịch bền vững với du khách...
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra định hướng "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường".
Trong năm 2022 - 2023, Năm Du lịch Quốc gia ở nước ta đều chọn chủ đề về du lịch xanh nhằm thực hiện Chiến lược nêu trên. Cụ thể, năm 2023, Bình Thuận đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Đây chính là thông điệp khắc sâu, điểm nhấn, nâng tầm chủ trương, đường lối phát triển du lịch của Việt Nam hướng tới liên kết các ngành, địa phương để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch xanh, bền vững, an toàn, có lợi cho sức khỏe. Chuỗi các sự kiện trong năm 2023 gồm rất nhiều hoạt động thể thao nghỉ dưỡng quy mô lớn phù hợp với lợi thế sẵn có của địa phương. Bình Thuận kết nối với các hiệp hội du lịch, đơn vị, địa phương và các tỉnh, thành phố liên quan để tạo ra các sản phẩm du lịch bền vững.
Trước đó, Năm Du lịch Quốc gia 2022 chọn chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” nhằm lan tỏa hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, du lịch xanh, bền vững - xu hướng tất yếu sau đại dịch COVID-19. Tỉnh đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm du lịch thế mạnh gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống đậm bản sắc...; khai thác bền vững các di sản văn hóa thế giới, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, kho tàng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử... Điều này tiếp tục góp phần khẳng định hướng đi để Quảng Nam hiện thực hóa định hướng bảo tồn để phát triển...
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Trong năm 2022, Quảng Nam đã đón 4,8 triệu du khách. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 3.800 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 16.000 lao động trong lĩnh vực du lịch. Quảng Nam đã đóng góp những nét vẽ đẹp trên bức tranh đầy màu sắc, sống động và hấp dẫn của ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2022.