Ông Basheer Omar, phát ngôn viên của ICRC cho biết con số thương vong vẫn tiếp tục tăng. Theo tổ chức Bác sĩ không biên giới, hiện các bệnh viện tại tỉnh Saada đã quá tải sau vụ không kích. Một bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 70 người thiệt mạng và 138 người bị thương, trong khi 2 bệnh viện khác tiếp nhận nhiều người bị thương. Tổ chức này cho biết lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát. Do đó, chưa thể thống kê chính xác số người thiệt mạng và bị thương.
Trong khi đó, tổ chức quốc tế Cứu trợ trẻ em (Save the Children) thông báo đã có 63 người thiệt mạng trong các vụ không kích trên cả nước Yemen trong ngày 21/1, trong đó có 3 trẻ em thiệt mạng do trúng tên lửa ở thành phố Hodeidah, miền Tây nước này.
Hiện chưa rõ lực lượng nào tiến hành các vụ tấn công nói trên.
Vụ không kích xảy ra 5 ngày sau khi lực lượng Houthi tuyên bố tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái nhằm vào các mục tiêu tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khiến 3 người thiệt mạng.
Theo đề nghị của UAE, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tiến hành họp khẩn trong ngày 21/1 về các vụ tấn công của Houthi nhằm vào UAE. Các nước thành viên HĐBA đã lên án các cuộc do Houthi tiến hành tại Abu Dhabi. Trước thềm cuộc họp, Na Uy - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của HĐBA LHQ trong tháng này cũng lên án các vụ không kích mới nhất tại Yemen khiến nhiều người thiệt mạng.
Cuộc xung đột ở Yemen bắt đầu xảy ra hồi năm 2014 khi lực lượng Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa. Số liệu thống kê của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy đến cuối năm 2021, khoảng 377.000 người Yemen thiệt mạng do xung đột, nạn đói và bệnh tật. Cuộc khủng hoảng tại Yemen cũng đẩy hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nhiều người rơi vào cảnh thiếu ăn. LHQ đã gọi đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất của thế giới.