Do can ngăn vua không được, khiến nước mất, nên ông đã gieo mình xuống sông Mịch La để tự vẫn vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch năm 278 trước Công nguyên.
Tương truyền, người dân đã chèo thuyền ra sông để cứu Khuất Nguyên, nhưng không tìm được. Để ngăn tôm cá rỉa xác ông, người dân đã ném rất nhiều bánh ú xuống sông cho cá ăn. Từ đó, ăn bánh ú và đua thuyền rồng là hai tập tục không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ.
Có thể tìm thấy bánh ú trên thị trường Hong Kong vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, vào dịp tết Đoan Ngọ, bánh ú có ý vị và tầm quan trọng hơn hẳn. Vào dịp này, các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng tung ra nhiều loại bánh ú với đa dạng hương vị, từ loại cao cấp đến loại bình dân, từ dòng nhân chay như đậu xanh, đậu đỏ, nhân đậu hạt sen, đến nhân bánh mặn thì có thịt lợn, trứng muối, sò điệp, bào ngư, đóng trong những hộp quà tinh tế. Về giá, mặt hàng bánh ú lá có giá phổ biến từ mức thấp nhất là 45.000 đồng lên đến 300.000 đồng/cái.
Tuy nhiên, một số cửa hàng chuyên bán các loại bánh ú lâu đời cho biết doanh số bán hàng không được như ý muốn. Nguyên nhân được cho là do trước đây nhiều doanh nghiệp đặt mua bánh làm quà, nhưng 3 năm trở lại đây, dịch bệnh khiến sức sống của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, khiến đơn hàng bánh ú sụt giảm.
Ngoài ra, các siêu thị và nhà hàng trong những năm gần đây cũng tung ra thị trường nhiều loại bánh ú với nhiều hương vị khác nhau, điều này càng làm gia tăng sự cạnh tranh. Mặt khác, chi phí làm bánh đã tăng lên rất nhiều.
Trong thời kỳ dịch bệnh, nhiều loại nguyên liệu thô cũng tăng giá nhưng không hề giảm sau dịch bệnh. Ví dụ, giá gạo nếp Thái Lan đã tăng ít nhất 10%. Ngoài ra, vào dịp gần Tết Đoan Ngọ cũng có lượng lớn bánh từ Đại lục xuất khẩu sang Hong Kong với nhiều nhãn hiệu và hương vị khác nhau.
Bên cạnh bánh ú, thị trường trái cây những ngày này cũng sôi động hơn. Các khu chợ đều bán các loại trái cây phong phú như dưa hấu, vải, mận... để phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Vào ngày lễ hội thuyền rồng hôm nay, có tới 8 quận ở Hong Kong tổ chức các cuộc đua thuyền rồng như ở Aberdeen, Stanley, Cheung Chau và Tai O và ở Sha Tin, Tai Po, Sai Kung và Tuen Mun. Trong số đó, cuộc đua thuyền rồng ở Aberdeen có lịch sử hơn 100 năm và là nơi tổ chức các cuộc đua thuyền rồng sớm nhất ở Hong Kong.
Ngoài cuộc đua thuyền rồng vào ngày 22/6, cuộc đua thuyền rồng quốc tế Hong Kong sẽ được tổ chức vào ngày 24-25/7, quy tụ các đội từ các khu vực khác nhau đến tranh tài tại xứ Cảng Thơm.