Ngày 24/2, các nhà khoa học tại Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) đã khẳng định không có hạt cơ bản nào có tốc độ nhanh hơn tốc độ ánh sáng và thừa nhận sai lầm của kết quả thí nghiệm về hạt nơtrinô, một hạt cơ bản nằm trong cấu trúc của nguyên tử.
Sau các cuộc thí nghiệm trong tháng 9/2011, các nhà khoa học CERN tuyên bố chùm hạt nơtrinô có tốc độ nhanh hơn tốc độ ánh sáng, phá vỡ giới hạn cao nhất về tốc độ đã được nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein khẳng định năm 1905 trong Thuyết tương đối của ông. Tuyên bố này đã gây chấn động giới khoa học toàn cầu và các nhà khoa học của CERN đã phải liên tục tiến hành các cuộc thí nghiệm để kiểm chứng độ tin cậy của tuyên bố.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Trong thí nghiệm tháng 9/2011, các nhà khoa học châu Âu đã đo được tốc độ của một chùm hạt nơtrinô được bắn đi từ Phòng thí nghiệm của CERN ở Giơnevơ (Thuỵ Sĩ) tới Phòng thí nghiệm ở Gran Sasso (Italia) cách nhau 730 km là 20ppm, cao hơn tốc độ ánh sáng.
Tuy nhiên, các thí nghiệm mới đây đã xác định thiết bị đếm thời gian có sai sót kỹ thuật dẫn đến kết quả đo tốc độ không chính xác. Tốc độ của chùm hạt nơtrinô được xác định lại thấp hơn nhiều so với tốc độ ánh sáng. Tuy nhiên, CERN sẽ tiếp tục lặp lại thí nghiệm trong tháng 5 tới để khẳng định kết quả thí nghiệm cuối cùng.
Roberto Trotta, nhà vật lý thiên thể của Trường Đại học Hoàng gia Anh nhấn mạnh với hiểu biết của một nhà vật lý lý thuyết, ông cho rằng thí nghiệm của CERN có sai lầm hệ thống.
TTXVN/Tin tức